Sáng hôm sau, tin Lý bị bắt đã lan truyền khắp làng, những người thân thiết đều không kìm được nước mắt. Có người được anh gánh nước hộ, có người được anh sửa mái nhà dột, và cũng có cả những người được anh cho vài mẫu bánh để cứu đói. Tất cả đều phẫn nộ vô cùng.
Cụ Mộc - một lão nông trong làng:
“Thằng Lý bị bắt rồi! Không biết bọn Nhật sẽ làm gì nó. Khổ thân thằng bé, có gan làm nhưng lại...”
Bà Tư tiếp lời: “Thằng Lý làm vậy là để cứu chúng ta. Giờ nó bị bắt như vậy. Ông trời còn có mắt không vậy!”
Các thanh niên trong làng nghe tin cũng bộc lộ sự bất mãn đối với quân Nhật, họ muốn hành động, nhưng lại bị kìm nén bởi nỗi sợ hãi và sự ràng buộc từ gia đình, họ còn người thân, trên có già, dưới có trẻ, nếu họ có mệnh hệ gì thì ai chăm lo cho gia đình đây?
Vì sự e dè với quân Nhật, họ không thể công khai phản kháng một cách lộ liễu, chỉ đành tìm mọi cách hỗ trợ Việt Minh, dù là những chuyện nhỏ nhặt nhất.
Tối hôm đó, một số người đã có mặt ở nhà ông Hải, những ý kiến trái chiều được nêu lên.
“Chúng ta không thể cứu, ai làm nấy chịu. Nếu ra tay, quân Nhật sẽ phát hiện, có khi cả làng đều bị giết sạch”
Đó là ông Phú, một gã chỉ biết có bản thân mình.
Ông Năm nghe vậy thì đứng lên chỉ thẳng vào mặt ông Phú mắng
“Lý không chỉ cướp lương thực cho mình nó đâu, nó muốn cứu chúng ta, cứu cái làng này. Chúng ta ngồi ở đây, vậy còn nghĩa lý gì với người đã liều cả mạng sống? Ông tự lấy tay sờ lương tâm mình xem, ông làm vậy không thấy hổ thẹn? Lúc phát số lương thực đã cướp được tôi nhớ bản mặt ông cũng ở đấy không phải sao?”
Ông Phú bị mắng đến gương mặt đen chuyển sang đỏ, nhưng lại không biết phải phản bác thế nào, bởi ông biết lời lão Năm nói là đúng.
Lúc này thì cha Minh lên tiếng:
"Lý là anh em thân thiết của chúng ta, cậu ấy mà chết thì cả làng sẽ suy sụp. Dù có hy sinh, tôi cũng không thể đứng yên nhìn."
Bông biết chồng sẽ nói vậy. Cô cũng biết mình không thể ngăn chồng. Nhưng không vì thế mà bảo cô phải vui vẻ chấp nhận chuyện người đàn ông của mình nhấn thân vào hố lửa.
Sau cuộc trò chuyện với Việt Minh, Bông đến ngồi cạnh ông Hải, tay đặt lên đầu gối thủ thỉ:
“Anh nói với làng là sẽ đi cứu Lý, anh vì làng. Nhưng còn em? Còn con thì sao? Nếu anh có chuyện gì thì ai sẽ là người chăm sóc chúng em?”
Giọt nước từ khóe mắt chảy dài xuống gò má gầy của cô. "Nếu anh không về ... Mẹ con em biết phải làm sao?" Bông nức nở nói.
Hải gạt đi những giọt nước trên mặt cô, nở nụ cười.
“Anh không thể để Lý chết, nó đã làm quá nhiều cho làng chúng ta. Nếu chúng ta không làm gì, còn ai dám đứng lên chống lại chúng nữa?”
“Anh biết em lo lắng, anh yêu hai mẹ con lắm. Nhưng em cũng hiểu, cuộc sống này không thể sống cho riêng mình. Nếu anh không đi, có phải chúng ta sẽ sống với nỗi sợ này mãi mãi?”
Bông ngẩn đầu nhìn anh, Hải đang nở nụ cười với cô: “Em không thể mất anh. Anh là người duy nhất mà em có, cũng là người đàn ông duy nhất mà em yêu...”
Lời nói bị chặn lại bởi nụ hôn của người đàn ông, dù bất chợt nhưng cũng không kém sự dịu dàng. Anh xoa đầu Bông, dù đã sống cùng nhau nhiều năm, nhưng tình cảm của họ vẫn mặn nồng như thuở ban đầu.
“Anh biết em không muốn, nhưng anh phải đi. Anh cũng biết em là người phụ nữ mạnh mẽ, em sẽ bảo vệ Minh, bảo vệ tất cả những gì chúng ta xây dựng. Anh sẽ trở về.”
Dù đã được chồng trấn an nhưng Bông không thể ngừng khóc, cô yêu anh, rất yêu. Cô cũng hiểu sự hy sinh của anh là điều cần thiết cho làng, cho tương lai của họ. Trong cuộc chiến tranh này, tất cả mọi người đều phải đánh đổi, có muốn hay không cô cũng phải chấp nhận.
Hải ôm cô vào lòng vỗ về không nói gì, anh biết chuyến đi này lành ít dữ nhiều. Nhưng sau tất cả phải có một người đứng ra đi trước mở đường, và người đó chỉ có thể là anh.
"Em sẽ giữ nhà, giữ cửa, giữ con, giữ tất cả. Hứa với em...quay lại được không?" Bông thút thít nói
“Được”
…
Minh ở một góc khuất trong nhà nghe đến khi đầu óc chao đảo, chú Lý là bạn thân của cha, cũng là bạn của cậu. Cậu không thể ngồi im nhìn cha đi vào hang ổ của bọn người xấu kia để cứu Lý.
"Cha đi cứu Lý...cha không thể chết. Cha là người hùng...không thể làm mất đi"
Minh tự trấn an mình rồi âm thầm đi lại về chiếc giường tre nằm xuống nhắm mắt lại như chưa từng có chuyện gì xảy ra.
…
Phòng tra khảo của quân Nhật nằm trong một góc tối tăm, mùi máu hòa lẫn cả mùi ẩm mốc tạo nên một bầu không khí ngột ngạt khó tả. Lý bị chúng trói trên một chiếc ghế gỗ cũ kỹ, một tên lính Nhật, dáng người thấp bé, mặc một bộ quân phục thẳng thớm bước tới.
“Mày ... trộm lương thực ... của tao. Tại sao?”
“Nói ... chỗ giấu lương thực. Tao ... tha cho. Không nói...tao giết.”
Tên chỉ huy Nhật nói giọng tra khảo một cách ngọng nghịu.
Lý im lặng, môi không hé nửa lời, đôi mắt ánh lên vẻ kiên định.
Tên lính Nhật tức giận, gõ cây gậy xuống đất rồi ra lệnh:
“Đánh nó”
Tay sai đi tới, kéo anh lên rồi trói vào cây cột lạnh lẽo giữa căn phòng tối. Từng đòn gậy gỗ thay nhau nện. Một gậy lại tiếp một gậy, lần lượt giáng vào bụng, lưng và tay khiến cơ thể anh mất dần sự kiểm soát. Anh cảm nhận được từng luồng xé toạc da thịt, sau những cú đấm và đá, cơ bắp anh căn cứng hơn để bảo vệ bản thân chống lại những roi đòn của chúng, mỗi lần hít thở là một lần đau đớn tựa như có gai nhọn xuyên vào lồng ngực.
Thấy Lý không nói gì. Một tên lính Nhật khác đã bắt đầu mất kiên nhẫn, dùng hết sức vung gậy đánh thẳng vào đùi anh, cơn đau buốt lan lên từ bắp chân chạy dọc đến tận xương sống. Lý không kịp nén tiếng rên rỉ, đôi môi cắn chặt đến bật máu, cái vị tanh nồng lan dần ra trong khoang miệng hòa quyện với hơi thở gấp gáp khiến anh muốn nôn, nhưng cổ họng lại khô khốc như bị bóp nghẹt. Sau đó tầm nhìn anh bắt đầu nhòe dần đi.
Tên chỉ huy thấy anh không có dấu hiệu mở miệng nên hắn ra lệnh dùng phương pháp tra tấn tàn bạo hơn.
“Tăng ... hình phạt lên, xem nó cứng ...được bao lâu”
Lý cúi đầu, hơi thở gấp gáp, máu rỉ ra khóe miệng len lỏi vào môi, anh cảm nhận một mùi mằn mặn và tanh tưởi. Cái vị ấy thấm vào đầu lưỡi, như một lời nhắc nhở cay đắng về nỗi đau mà anh phải chịu đựng, nó không chỉ là máu mà còn là sự bất lực, sự căm phẫn và lòng quyết tâm không khuất phục.
Tay sai từ ngoài bước vào đem theo ngọn đèn dầu.
Tuy chỉ là ngọn đèn dầu nhỏ, nhưng Lý cảm nhận được một nỗi sợ hãi đang dần dâng lên trong tâm trí. Anh tự nhủ rằng bản thân không phải đang chịu đựng một mình, anh đang gánh vác sự sống của cả làng, nếu chúng biết, tất cả những người trong làng sẽ phải chết, những đứa trẻ kia sẽ phải chết. Cho nên một mình anh chịu là đủ rồi. Đổi mạng anh cho cho cả làng là điều hoàn toàn xứng đáng.
Tên chỉ huy lên giọng:
"Mày có nói không?' đây là câu mà hắn nói nhiều nhất từ khi hắn đặt chân sang đất nước này.
Lý ngẩn đầu, đôi môi khô nứt mấp máy, hắn tưởng Lý định thú nhận nên dỏng tai nghe, nhưng thay vào đó, anh nhếch mép, nở một nụ cười mỉa mai.
“Có ... cục cứt”
Tên chỉ huy không biết cục cứt mà tù nhân nói có nghĩa là gì, vẻ mặt hắn đầy bối rối. Quay lại hỏi phiên dịch:
"Nó... nói cái gì?''
Phiên dịch nghe xong không dám nhắc lại lời anh, ấp a ấp úng.
“Là...là...”
"Nói !!!" hắn quát
"Là kuso" (kuso trong tiếng Nhật có nghĩa gốc là phân hoặc chất thải)
Tên chỉ huy nghe vậy thì tức giận, hắn chưa bao giờ gặp một tù binh nào mà xấc xược như vậy, nó có biết mạng mình đang nằm trong tay hắn không.
"Đốt nó!!" Hắn ra lệnh cho lính canh.
Khi chúng dí ngọn đèn dầu vào tay anh, rồi đến bụng và di dần đến khuôn mặt đã có đầy vết thương, từng vệt cháy đỏ hiện ra, da thịt dưới ánh lửa dần co lại, bong tróc thành từng mảng, cơn đau đớn và bỏng rát truyền lên não bộ, Lý cố gắng nghiến chặt răng để không một tiếng van xin nào phải bật ra.
Mùi thịt cháy xộc lên mũi khiến bọn Nhật cau mày, nhưng thấy tên tù nhân vẫn không có sự sợ hãi nào, vẫn nhìn chúng bằng ánh mắt mắt kiên định đó. Chúng bắt đầu hoang mang.
Tại sao đất nước này lại có một tên cứng đầu như vậy ?
Tại sao nó không sợ đau? Hay là nó vốn dĩ không sợ chết?
Một tên lính nói với đồng bọn: “Sao thằng này vẫn không chịu khai? Mấy đứa trước dùng cái này đã té ra quần rồi”
Đôi mắt Lý sáng rực mang vẻ đầy thách thức với kẻ thù dù cơ thể đã tàn tạ, khi nhìn vào ánh mắt ấy tên chỉ huy cảm thấy ớn lạnh. Hắn cảm thấy bất an, hắn không biết một thứ sức mạnh nào đã giúp anh để anh có thể vượt qua nỗi đau, sự đe dọa của chúng một cách gan lì như vậy.
Từ hôm qua đến giờ chúng đã làm mọi cách để cậy miệng anh, không cho ăn, cũng chẳng cho uống, từ những lời dụ dỗ ngon ngọt đến những câu hăm dọa. Mọi thứ đều đã thử nhưng không có tác dụng, thằng thần kinh này chỉ nhìn chúng bằng ánh mắt đó rồi cười mỉa mai. Hắn khó có thể dùng từ nào để hình dung được khi nhìn vào đôi mắt đó, có sự kiên định, có lòng căm thù, cũng có cả hy vọng.
Nó hy vọng cái đếch gì khi đã bị bắt trói ở đây cơ chứ?
Hy vọng được thả? Nằm mơ đi !!
Nhưng hắn không hiểu, hắn vốn dĩ không hiểu. Khi Lý nghĩ về dân làng, nghĩ về người cha đã hy sinh, về niềm tin vào đất nước, sự tự do và vào chính bản thân mình. Anh dặn lòng không thể khai, dù có chết cũng không thể khai, nếu khai tất cả sẽ chết, đất nước sẽ không có tự do. Lý yêu cha, yêu nhà mình, yêu cả ngôi làng nơi anh đã lớn lên, yêu đất nước đã che chở và cưu mang anh, so với tình yêu ấy thì sự chịu đựng này có đáng là bao.
Sau tất cả, tên chỉ huy cuối cùng cũng buông xuôi, hắn không thể bẻ gãy ý chí của Lý. Việc giữ lại thằng nhóc này chỉ tổ tốn thêm thời gian và công sức. Hắn lệnh xử tử cậu để dằn mặt những người dân khác trong làng, đồng thời để thị uy rằng sự cứng đầu sẽ chỉ dẫn đến cái chết.
…
Cả đêm nay Minh không ngủ, khi ánh trăng nhạt nhòa len lỏi qua đám mây dày, cậu nằm trên tấm chiếu cũ, ngơ ngác nhìn mái nhà tranh, cậu nghe được tiếng rì rầm của cha và các thành viên Việt Minh ở bên ngoài. Minh không hiểu được hết kế hoạch của cha, nhưng cậu biết rõ cha sẽ gặp nguy hiểm.
Cậu bé 6 tuổi, nhỏ nhắn nhưng bướng bỉnh, cậu tin rằng bản thân mình có thể giúp cho cha, dù là giữ gậy cho cha, hay là ném một viên đá vào kẻ xấu. Cậu làm được.