Nhiều năm về sau khi đứng bên bờ sông Cam hóng gió, Tô Lan vừa lật cuốn “Hệ thống tài chính quốc tế hiện đại mới” trong tay, vừa mắng tài liệu giảng dạy của nước ngoài thật khiến cho người ta ghét bỏ, giống y như mùa đông khắc nghiệt tại London, cô chợt nhớ tới mùa xuân ngắn ngủi của Bắc Kinh.

Kể từ khi gặp Thẩm Diên, những xáo trộn, bức bối, ảo mộng và nguyền rủa cũng dần được mở màn, tất cả đều không thể tránh khỏi.

Lần đầu tiên gặp ngài Thẩm là vào giữa xuân năm 2013.

Sau khi danh sách xét tuyển nghiên cứu sinh được công bố, Tô Lan được tuyển thẳng vào lớp thạc sĩ chuyên ngành tài chính của Học viện Quản lý GH trực thuộc Đại học P, giáo viên hướng dẫn cũng là vị phó viện trưởng mà cô kính trọng.

Vấn đề đau đầu duy nhất vẫn là học phí.

Kể từ năm bước chân vào ngưỡng cửa đại học, cô không nghe theo lời khuyên của mẹ, học chuyên ngành khảo cổ học với mức học phí giảm một nửa mà kiên quyết chọn học tài chính theo ý mình, mỗi lần cô hỏi xin tiền mẹ lại là một lần cãi vã.

Có thể đoán trước được, mẹ cô sẽ không đời nào bỏ tiền cho cô học thạc sĩ. Tô Lan chỉ có thể tự nghĩ cách.

Nhưng dù sao cô cũng chỉ là sinh viên, có thể có cách gì được? Trong một tuần có ba buổi tối Tô Lan dọn dẹp sách báo tài liệu trong thư viên, ba ngày đóng tập hồ sơ sinh viên tại kho lưu trữ, số tiền kiếm được trong suốt một học kỳ cũng chẳng vượt quá nổi hai nghìn.

Dù cô có làm việc đến chết mệt thì cũng không kiếm đủ.

Tổng chi phí học thạc sĩ ngành tài chính là gần một trăm ba mươi nghìn tệ. Dù số tiền này được chi trả trong hai năm, nhưng liệu có thể nộp chậm bao lâu?

Khuôn viên trường học mùa tốt nghiệp tràn ngập cảm xúc buồn bã phức tạp khó nói thành lời.

Bạn học trong lớp Tô Lan đa phần sẽ đi du học, người ra ngoài kiếm việc làm chỉ chiếm số ít, cô bị kẹt lại ở giữa, đi không được mà ở lại cũng chẳng xong, vô cùng khó xử.

Ngày nào cũng có người dọn ra khỏi ký túc xá, trước khi đi nếu gặp được Tô Lan họ đều cất giọng hàn huyên vài câu.

“Được ở lại trường, vẫn là cậu giỏi nhất đấy Tô Lan”

Tô Lan chỉ mỉm cười, cô vốn không phải người nhiều chuyện.

Ấn tượng của toàn bộ người trong học viện về cô có thể tóm tắt bằng tám chữ: Dịu dàng tĩnh lặng, cử chỉ vội vã.

Trong mắt đại đa số bạn học, cô thậm chí còn có chút lạnh lùng, đây cũng là lý do vì sao mặc dù Tô Lan có ngoại hình xinh đẹp, nhưng số người theo đuổi cô chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Vào một buổi chiều tĩnh lặng, Tô Lan vừa tiễn bạn cùng phòng thì nhận được cuộc gọi từ Bạch Linh. Tô Lan và Bạch Linh là bạn cấp ba, cùng đến từ Dương Châu, cô ấy hiện đang học tập tại Học viện Hí khúc, trong ấn tượng của cô hình như là học Việt Kịch.

Bạch Linh đã nhận công việc là tới một câu lạc bộ tư nhân trên phố Sùng Văn hát Bình Đàn, cô ấy còn nhấn mạnh đó là nơi đàng hoàng đứng đắn.

Hai người học chung mấy năm nên cô ấy hiểu rõ tính cách của cô bạn này, cho dù có nghèo đến mức không có cơm ăn thì Tô Lan cũng sẽ không bao giờ dính đến mấy chuyện trai gái ngoài luồng. Tô Lan có bản tính kiêu ngạo và lòng tự trọng cao ngất, thế nhưng cuộc đời lại rất khó nói.

Bạch Linh trịnh trọng cất tiếng: “Cậu không biết đó thôi, đám công tử nhà giàu đó thích theo đuổi mấy thứ khác biệt để thể hiện phong thái tao nhã của bản thân, hôm nay không biết là vị nào nghĩ ra trò nghe Bình Đàn nên tìm đến tớ”.

Tô Lan cũng sợ làm hỏng chuyện nên thành thực khai báo, “Tớ chỉ biết hát ba khúc thôi, cậu cũng từng nghe rồi đấy, ba khúc đó do bà ngoại tớ dạy”.

“Cậu nghĩ đám người đó có văn hóa lắm à? Họ chỉ lấy chúng ta ra làm phông nền cho bữa ăn và cuộc trò chuyện phiếm thôi, không có ai nghiêm túc nghe cậu hát đâu, cho dù cậu có hát khúc Sa Gia Binh thành Ngư Gia Ngạo thì cũng chẳng ai quan tâm hết”.

Tô Lan không muốn đi nhưng tiền thù lao quả thực rất cao, chỉ hát trong hai giờ đồng hồ, khi bữa tiệc kết thúc thì ra về, vậy mà kiếm được tận bốn nghìn.

Khoản thù lao hai nghìn một giờ tại Bắc Kinh mười năm về trước, cho dù có là hiện tại thì vẫn được coi là một mức giá trên trời. Cũng chỉ có đám công tử Thẩm Diên mới tiêu sài phung phí tới vậy, từ cổ chí kim, hiếm có người bắt kịp bọn họ trong mấy chuyện phô trương này.

Tô Lan lấy từ trong chiếc vali ở tầng trên cùng ra một bộ sườn xám lụa, đây là bộ phục trang đắt nhất của bà ngoại, năm đó hàng chục thợ thủ công bậc thầy ở thành Dương Châu đã mất ba tháng để may nó.

Chất liệu gấm Vân Hà, cổ áo đứng kiểu Trung Quốc cổ điển, phần nút quan được chế tác từ ngọc trai.

Bà ngoại đã mặc nó đi biểu diễn ở nhiều quốc gia, bà từng là Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Bình Đàn Tô Châu, rất nổi tiếng tại khu vực Giang Tô, Chiết Giang và Thượng Hải, thế nhưng không ai trong gia đình kế thừa được bộ môn nghệ thuật này.

Kể từ sau khi cha tự sát, mẹ cô trở nên ngoan cố và rất dễ nổi nóng, ngay cả họ hàng cũng hiếm khi qua lại.

Người duy nhất được thừa hưởng nửa vời kỹ năng của bà ngoại là cô cháu gái Tô Lan, nhưng khi bà dạy cô không mấy nghiêm túc lắng nghe thì có thể học được bao nhiêu?

Về sau hồi tưởng lại, Tô Lan tự cảm thấy có lẽ tính cách nổi loạn của cô đã bộc lộ từ thời niên thiếu, còn sự điềm tĩnh và dịu dàng chỉ là vẻ bề ngoài.

Nếu không thì làm sao cô có thể đem lòng yêu Thẩm Diên, dẫu biết rằng hậu quả của việc mất trí vì tình yêu có thể khiến mình chịu tổn thương nặng nề?

Vào năm ba đại học, Tô Lan bị buộc tham gia buổi biểu diễn văn nghệ của học viện, vậy nên cô đã mang bộ sườn xám đó theo. Không ngờ hôm nay lại có dịp sử dụng đến.

Tất cả sự vật sự việc trên đời đều có vận mệnh riêng của mình, ví dụ như sự trở lại của bộ sườn xám này đã khiến cô gặp phải Thẩm Diên.

Đó là lần đầu tiên Tô Lan đặt chân tới Hoàng Kim Ốc, nơi này nằm ở khu vực giao nhau giữa hai con ngõ Đông Giao Dân và Tây Giao Dân, sau này khi đã trở thành khách quen tại đây cô mới biết, đây là câu lạc bộ tư nhân mà đám công tử giàu có tại Bắc Kinh tổ chức tiệc tùng.

Hoàng Kim Ốc.

Cái tên vừa thô tục lại vừa tao nhã.

Người có tiền thường thích đặt mấy cái tên nghe văn vẻ thế này.

Lối vào chỉ có một cánh cửa gỗ tử đàn chạm hoa nhỏ hẹp, đến ngay cả một tấm biển hiệu cũng chẳng có, thoạt nhìn nơi này giống như một tòa nhà kiểu Âu lụp xụp.

Ở một nơi có nhiều tòa kiến trúc phương Tây như ngõ Đông Giao Dân, Hoàng Kim Ốc không hề nổi bật, nhưng hiếm người có thể trông thấy toàn cảnh bên trong nơi này.

Lúc mấy người Tô Lan tới đây đã bị tra hỏi cả nửa ngày, mãi đến khi Lý Chi Châu chủ nhân của câu lac bộ xuất hiện và đưa các cô vào trong, anh ta còn dặn người canh cửa phải lịch sự với người khác một chút.

Đám công tử này luôn có một kiểu cư xử lịch thiệp đặc biệt. Bọn họ có hành động ngang ngược là một chuyện, đem phụ nữ ra làm đồ chơi là một chuyện, coi thường người thuộc tầng lớp thấp hơn là một chuyện khác, nhưng sự giáo dục được hun đúc trong gia cảnh ưu việt ngay từ khi còn nhỏ sẽ không mất đi.

Nói cho cùng thì thể diện được xem là quan trọng hơn bất cứ điều gì.

Những chiếc đèn lồng trên hành lang lóe rạng, sau khi đẩy cánh cửa gỗ nặng nề, họ mới đi đến tận cùng của nơi này.

Khi đó, điều mà Tô Lan nghĩ đến không phải là những bức tranh nổi tiếng treo trên tường, cũng không phải những món đồ sứ quý giá bày biện trên kệ gỗ đàn hương bát bảo, đọng lại trong tâm trí cô là vài nghi vấn kỳ lạ hơn thế: Mấy cánh cửa gỗ này nhìn có vẻ rất nhẹ, vậy mà tại sao lúc đẩy lại nặng đến thế, hơn nữa còn chẳng phát ra âm thanh?

Rất lâu về sau Thẩm Diêm mới nói với cô, dưới những cánh cửa gỗ bát bộ này được khảm đầy vàng miếng, do đó trọng lượng sẽ nặng hơn bình thường.

Tòa nhà kiểu Âu này vốn là dinh thự của một vị tướng quân thời Dân quốc. Nhiều năm trước, ông ta đã dẫn vợ cả tới Nam Dương định cư, chỉ để lại một cô vợ lẽ ở lại trông coi căn nhà cũ. Cô vợ lẽ không được học hành nhiều và cũng không có tài cán gì đặc biệt, vậy nên sau khi đất nước thống nhất, cuộc sống của cô rất khốn khổ.

Hàng ngày cô chỉ có thể đem đồ đạc trong nhà ra đổi lấy tiền và gạo để duy trì cuộc sống ấm no, sau này khi không còn gì để bán nữa, cô đã tìm mọi cách mở căn gác lửng, mang bức tượng phật khảm trai mà tướng quân cất giấu trong mật thất đi cầm cố.

Bức tượng Phật đó tuy sáng bóng nhẵn nhụi, bề mặt khảm trai có những đường vân hết sức tinh tế thế nhưng lại có kích thước chỉ bằng một nửa ngón tay cái. Cô vợ lẽ chẳng thể ngờ, người chồng chinh chiến khắp trời nam đất bắc của cô, người mà nửa chữ bẻ đôi cũng chẳng biết, ấy vậy mà lại nắm giữ vật bồi táng của thái hậu Từ Hi.

Và thứ đồ được đặt dưới đáy quan tài này sẽ mang tới họa sát thân cho cô.

Bức tượng khảm trai bị chủ tiệm cầm đồ nhận ra, người này kìm nén sự hưng phấn, đưa cho cô vợ lẽ mấy tờ tiền, không lâu sau, hắn tập hợp một đám trộm cướp nửa đêm đột nhập vào phủ tướng quân.

Xác cô vợ lẽ bị ném xuống đáy hồ, khi cha mẹ cô tìm tới, thi thể của cô đã bị cá rỉa chẳng còn nguyên vẹn.

Còn bức tượng Phật khảm trai vô giá kia đi lòng vòng cuối cùng lại rơi vào tay người nhà họ Thẩm.

Về sau, tòa nhà này được nhà họ Lý mua lại, giao cho Lý Chi Châu quản lý, trở thành nơi tụ tập của đám công tử hào môn.

Khi mấy người Tô Lan tới, bữa tiệc vẫn chưa mở màn, vẫn còn đủ thời gian chuẩn bị. Bạch Linh mang theo đàn tỳ bà nhưng Tô Lan không biết chơi. Cô trông thấy một cây đàn nguyệt treo trên tường, nhưng ở một nơi xa lạ, cô cũng không thể đi tới hỏi han một cách tùy tiện được.

Khi cô dừng bước trước bức tường cao vút xa hoa, giọng nói ôn hòa của Lý Chi Châu cất lên từ phía sau: “Cô thích cây đàn nguyệt này sao?”

Tô Lan lắc đầu không chút đắn đo, phần đầu của cây đàn này được chạm khắc mẫu đơn, hộp đàn hình tròn còn phần tay cầm thẳng đứng, vừa nhìn là đã biết nó được chế tác bởi nghệ nhân nổi tiếng.

Cô chỉ là một sinh viên nghèo đi làm thêm kiếm tiền đóng học phí, lấy tư cách gì để đem lòng yêu thích món đồ hào nhoáng này?

Thế nhưng không hiểu cô lấy dũng khí ở đâu mà đáp: “Nhưng tôi muốn mượn dùng một lát có được không?”

Lý Chi Châu trêu: “Cô tới đây biểu diễn chứ không phải là đến kiếm tiền à?”

Thấy cô gái đỏ mặt, anh ta không trêu nữa mà đưa tay lấy cây đàn kia xuống, “Vậy thì cô phải cẩn thận đấy, thứ này là đồ cổ thời nhà Tống”.

Tô Lan ôm cây đàn nguyệt gật đầu, “Cảm ơn, tôi sẽ thật cẩn thận”.

Tới bảy giờ hơn mọi người mới có mặt đông đủ, tại Bắc Kinh xưa nay luôn có một tập tục xấu xí, nếu hẹn nhau lúc sáu giờ, vậy thì bạn đừng mong sáu giờ có thể bắt đầu buổi tiệc, bởi sẽ luôn có người làm bộ làm tịch.

Thẩm Diên chính là kiểu người mà cho dù có là bữa tiệc nào đi chăng nữa thì anh cũng sẽ thong dong tới muộn.

Trong những dịp anh lui tới từ khi còn nhỏ, không hiểu vì sao, dường như tất cả mọi người sinh ra là để chờ đợi anh.

Chỉ có điều, với gia thế của mình thì anh được phép kiêu ngạo, cũng được phép buông thả và vô lễ.

Tô Lan nhớ rất rõ, khi khúc hát Thưởng Trung Thu của các cô gần đi tới hồi kết, Thẩm Diên mới xuất hiện với bộ dạng uể oải.

Anh mặc chiếc áo sơ mi bằng vải lụa đen được cắt may thủ công, độ rủ rất rõ rệt, vậy mà Tô Lan lại trông thấy rõ mấy phần phiêu diêu thoát tục ở anh.

Thẩm Diên có vầng trán đoan chính và một đôi mắt sáng quắc tinh anh. Nhưng khoảng cách giữa hai đầu lông mày của anh hơi hẹp, tạo nên cảm giác như đang cau mày, nhìn có vẻ không dễ tiếp xúc.

Ở anh cũng toát lên phong thái trí thức rất khó diễn tả, vừa lịch sự vừa nho nhã, khác hẳn với vẻ ngạo nghễ nhìn đời bằng nửa con mắt trên mặt anh.

Bữa tiệc được bố trí trong sân, Bắc Kinh vào cuối tháng tư đã bắt đầu ấm áp, tháng ba âm đã trôi qua.

Cảm nhận được ánh mắt của anh đang nhìn về phía này, Tô Lan vội vàng cúi đầu, tập trung vào khúc hát, không liếc nhìn sang phía bàn tiệc thêm lần nào nữa.

Sau khi rượu qua ba lượt, mọi người mới bắt đầu uống hăng, đồng thời cũng nói nhiều hơn hẳn.

Tiếng cười và tiếng ném đĩa trên bàn tiệc còn vang vọng hơn cả tiếng đàn hát của các cô.

Suy cho cùng vẫn là Bạch Linh có kinh nghiệm, các cô chỉ là món hàng trưng bày giúp tăng cảm giác trang nhã cho đám người này mà thôi, không có ai chú ý tới họ cả.

Tạm thời buông đũa và ngừng uống rượu, Thẩm Diên dựa nửa người ra sau ghế nhắm hờ hai mắt, anh vừa bay từ Thượng Hải về, vừa xuống máy bay đã vội tới tham dự bữa tiệc được lên lịch từ trước này.

Quả thực cảm thấy hơi mệt mỏi. 

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play