Sáng hôm sau, Keith bay về Nashville, dường như đã quên tất cả những câu chuyện tình cờ nghe được ở quầy rượu trong khách sạn tối qua. Abby tất tả lên giảng đường, hôm nay nàng có tiết dạy về hòa giải tranh chấp trong Hợp đồng Vận chuyển quốc tế. So với tiểu sử của Keith Patrick ai cũng biết tới thì nàng kín tiếng hơn rất nhiều.
Abby du học từ Việt Nam. Ra trường được vài năm thì nàng tiết kiệm được đủ tiền để theo đam mê từ bé của mình là vào trường Luật. Nàng chọn Vanderbilt ở Nashville vì trường tốt, không khí lại ấm áp giống như ở quê nhà. Một tuần khi đến nơi thì nàng được bạn dẫn đi một quán bánh bagel nổi tiếng để ăn sáng và bàn việc.
Quán tuy nhỏ nhưng vì chất lượng rất tốt nên lúc nào cũng chật kín người. Nàng luống cuống đặt đồ xong thì đánh rơi cuốn sách. Chưa kịp quay người thì một chàng trai tóc vàng với nụ cười tỏa nắng đã nhặt nó và đưa cho nàng. Loanh quanh một hồi, nhóm của anh ta cũng ngồi xuống cùng nàng và cô bạn luôn. Abby gặp Vance như thế và kể từ sau đó, hai người không rời nhau được.
Vance cầu hôn khi Abby đang học giữa năm hai trường luật. Hai người hào hứng đến mức mấy ngày sau đó ra tòa công chứng luôn. Tuy gần một năm sau họ mới kế hoạch xong đám cưới nhưng tình yêu giữa hai người ngọt ngào không tả xiết. Abby thở dài, từ đó đến nay mới chưa được mười năm, sao mọi chuyện thay đổi nhanh đến vậy?
Nàng tốt nghiệp trường Luật Vanderbilt xong thì nhanh chóng vượt bài kiểm tra sàn để hành nghề ở Tennessee. Vốn dĩ Abby có lời mời làm việc ở New York thì nàng thi sàn ở đó sẽ tốt hơn. Thế nhưng, vì không muốn ảnh hưởng công việc của chồng và đang chuẩn bị đám cưới, nàng từ chối vị trí mơ ước và quyết tâm tìm cơ hội khác tại Nashville.
Ngày nàng có thể chứng chỉ để chính thức hành nghề như một luật sư ở cả New York và Tennessee, Vance đưa Abby đến nhà hàng hải sản yêu thích. Vốn Abby tưởng chỉ là một bữa tối hai người nho nhỏ nhưng khi bước vào, nàng kinh ngạc khi thấy tất cả giáo sư và bạn bè thân trong trường Luật đứng đó. Abby đã xúc động đến không cầm được nước mắt.
Thế nhưng, tìm việc Luật sư ở miền nam nước Mỹ khó hơn rất nhiều. Abby nhỏ người, tính cách lúc đó lại bị cho là quá nhẹ nhàng so với một người làm nghề luật thương mại địa phương. Vậy nên, nàng lần lượt nhìn bạn bè có nơi có trốn, còn bản thân vẫn phải dựa vào chồng. Cơ mà, Abby không phải loại người dễ dàng bỏ cuộc. Đi một hướng không được, nàng tạo ra một hướng khác.
Giấy tờ nhập cư xong, Abby tự mở một văn phòng tư vấn. Ban đầu, nàng tập trung hơn vào luật xuất nhập khẩu hàng hóa nhưng không tạo được quá nhiều ưu thế nên còn mất thêm tiền nữa. Vance vẫn luôn ở cạnh động viên. Anh có nhà, có xe, có thể lo cho hai người để chờ nàng vực dậy. Những lúc Abby quá vất vả, Vance còn tự mình nấu cơm hoặc đưa nàng đi ăn để chọc cho nàng cười nữa. Công việc không quá thuận lợi nhưng cuộc sống êm đềm.
Sau sáu tháng nói chuyện và thăm dò khách hàng, Abby chuyển sang môi giới nhà cung cấp từ Việt Nam và châu Á nói chung cho thị trường Tennessee. Chẳng mấy chốc, từ một vài hợp đồng nho nhỏ, nàng chuyển mình tư vấn những đơn hàng triệu đô. Vốn hiểu biết về luật của nàng được dùng triệt để tạo liên kết trực tiếp với các mối hàng cung ứng gốc, giúp doanh nghiệp cắt đến bảy tám phần chi phí trung gian.
Mấy năm sau, khi GCon Partner của Abby phất lên như cờ thì công ty của Vance xác nhập với một bên khác. Anh bị ảnh hưởng không chỉ công việc mà cả tinh thần và tâm lý nữa. Mọi chuyện từ đó như một vòng xoáy đi xuống. Nàng và Vance có cố thế nào cũng không thể vãn hồi.
* * *
Ở Philly, Abby dạy xong lớp buổi sáng thì lên tàu qua văn phòng riêng. Sau khi ly hôn, nàng rời trụ sở công ty sang hẳn một thành phố khác để thay đổi không khí. Văn phòng Nashville của Abby thật ra đã rất chắc chân rồi. Nàng có mười lăm tư vấn chính, thêm kế toán và quản lý hành chính để phục vụ gần hai trăm tài khoản. Tiến sang Philly là bước chiến lược để Abby có thể mở rộng quy mô của GCon Partner lên toàn quốc.
Thị trường Nashville nắm rất nhiều trung chuyển nội địa và cảng sông lớn nên là một nơi không tệ để làm dịch vụ tư vấn nhập khẩu hàng. Song nếu nàng chỉ ở đó, thì dù có khách hàng lớn, họ cũng chỉ thích nguồn cung cho địa phương và mấy bang lân cận. Tennessee chỉ có sáu triệu dân, tính cả xung quanh thì chỉ khoảng hai mươi triệu. Nước Mỹ ba trăm triệu người, Abby thấy nhất định còn phát triển được.
Sau khi cân nhắc một hồi, nàng chọn Philly vì nơi đây có cảng biển lớn. Rất nhiều khách hàng toàn quốc của nàng cũng có trụ sở phân phối ở đây. Thế nên, Abby chỉ cần đặt văn phòng, tuyển thêm tư vấn, kế toán, và hành chính là có thể bắt đầu đi tiếp cận thị trường nguồn hàng toàn quốc rồi. Từ năm ngoái đến năm nay, Abby thắng hợp đồng độc quyền với hai thương hiệu may mặc lớn để làm trung gian thu mua và kiểm soát chất lượng cho sản phẩm sản xuất tại Đông Nam Á. Tuy chưa nhiều nhưng thế cũng đủ để nàng chuyển văn phòng lớn, rồi tăng từ hai lên năm tư vấn toàn thời gian ở thành phố mới tấp nập này.
Về cá nhân, sau khi ly hôn, Abby cần không gian riêng để bình tâm lại. Philly ít nhiều gì cũng cách Vance một chuyến bay. Nếu như thế, họ sẽ không phải ngày ngày chạm mặt. Nhà cửa Abby để cho Vance hết. Công ty cũng chia đôi. Nàng dồn tiền mặt để mua thêm mười một phần trăm của chồng cũ, chỉ để đủ quyền ra quyết định phủ quyết cho GCon. Vance vốn không quá hào hứng chuyện kinh doanh nên nàng nói gì cũng đồng ý. Giữa hai người, tình bạn và sự tôn trọng vẫn luôn còn.
Vậy nhưng, có những thứ không cưa đôi được. Những kỉ niệm của Vance và Abby quá nhiều. Họ cùng thích đến một nơi nghe nhạc, lại ăn đồ cũng rất giống nhau. Ví như quán bánh Bagel mà họ gặp mặt, nếu Abby còn ở Nashville thì sợ rằng cứ ba buổi sáng một tuần, nàng sẽ đụng phải Vance ở đó. Thế nên, đến Philly, nàng và chồng cũ có để cho nhau nhiều khoảng trống để cả hai tự chữa lành hơn.
Ngoài ra, Abby có một người bạn thân từ nhỏ, Linda Trần, làm việc ở một tập đoàn tư vấn lớn tại Philly. Cá tính hai người rất giống nên cứ ba hôm, cô ấy lại lôi nàng và anh chồng lập trình người Trung Quốc đi ăn những món mới. Không khí rất vui vẻ khiến Abby cũng bớt cô đơn hơn.
Nàng tìm một đại học nhỏ, xin làm giảng viên khoa luật để tiếp cận với các công ty, nhân lực tư vấn tiềm năng và giải tỏa tâm lý cho bản thân nữa. Thật ra, với Abby, mục tiêu công việc khi dạy đại học là rất phụ. Nàng chỉ thấy sự tươi trẻ và góc nhìn mới của sinh viên có thể lây lan sang mình và đẩy xa những cơn buồn vu vơ tiêu cực.
Có người nói giả vờ tích cực hay trốn tránh khỏi những nỗi đau chẳng có gì lành mạnh cả. Cơ mà, Abby không phải loại người này. Nàng không bao giờ phủ nhận nỗi buồn của mình nhưng lại thấy nếu dừng lại chẳng làm gì thì quá tốn thời gian. Đời người may ra có được bảy mươi năm khỏe mạnh. Nếu giành năm năm chỉ để chìm đắm trong những nỗi đau thì quá lãng phí. Thế nên càng buồn, Abby càng làm lắm việc, không phải để giả vờ như bản thân không cảm nhận, mà là để bắt nhịp với thời gian không ngừng chảy kia thôi.
Thứ ba hàng tuần, nàng giành riêng để mình bay theo cảm xúc nhiều hơn. Có một quán rượu trong khách sạn mà nàng rất thích, chỉ cách căn hộ nàng ở có ba dãy phố thôi. Abby thường hay đi bộ đến đây chỉ để uống một ly và nghe những bản nhạc mình thích trong yên lặng.
Nhờ Linda động viên, nàng tuy chưa lành hẳn nhưng mấy tháng nay cũng có chút động lực hẹn hò. Mấy người nàng vừa ý hơn thì đều hẹn ra cả, nhưng chẳng ai được quá một buổi. Người hứng thú với nàng thì nàng không thấy có quá nhiều cảm xúc. Còn một số người khác thì vừa thấy nàng uống Whiskey đã sợ chạy mất rồi.
Thật ra, có như thế, Abby cũng chẳng cảm thấy tổn thương. Nàng vẫn buồn, nhưng vẫn ổn. Một mình vẫn rất ổn. Nghĩ đến nhiều khi nói chuyện phiếm với anh chàng phục vụ Steve cũng đỡ mệt hơn là phải cố công tạo ấn tượng trong buổi hẹn đầu, nàng khóa cửa, nhấc chân xuống phố.
Quán hôm nay vắng vẻ. Tuần trước Abby dẫn một cuộc hẹn tới đây thì nó đã rất đông. Hình như nàng còn ẩu đả gì đó thì phải? Thấy nàng bước vào, chàng phục vụ tóc đen, dỏng người, vui vẻ cười:
- Rémy Martin chứ?
- Hôm nay anh có loại rượu đó rồi sao?
- Tôi phải giục bên phòng thu mua suốt mới được đấy. – Steve ghi công. – Nếu không phải tôi lấy việc của mình ra đảm bảo nhất định sẽ có người uống hết chai này trong năm tới thì họ còn đang kêu đắt không đặt thêm kìa.
Abby nhấp môi nếm loại rượu mà mình yêu thích, nàng thực ra có một chai ở nhà nhưng sợ bản thân tự mở thì sẽ uống cạn hết, thành một con sâu rượu mất. Phía đàng sau, nàng nghe một tiếng một đôi nam nữ đang lấy chỗ ngồi. Ban đầu, Abby cũng không thèm để ý nhưng vừa nghe được chàng trai than thở về buổi hẹn với một cô nàng say rượu tuần trước thì bất giác cười. Xem ra quán rượu này cũng là một nơi hợp lý để hẹn hò, chỉ là phong thái của nàng hôm trước, anh ta không đỡ nổi mà thôi.
Abby gọi Steve thì thầm:
- Hóa đơn của bàn kia, tính cả cho tôi đi.
- Cô chắc chứ? – Steve kín đáo quan sát – Anh chàng đó tuần trước bỏ của chạy lấy người. Cô không giận sao?
Nàng bật cười:
- Tôi dọa anh ta thì anh ta không chạy mới lạ đấy. Lỗi của tôi nên hôm nay có dịp thì tôi đền lại.
- Cô lúc nào suy nghĩ cũng kì quái như vậy. Còn yêu cầu gì đặc biệt nữa không?
Abby đột nhiên cảm thấy muốn ăn gì đó ngọt ngọt:
- Anh có thể nói nhà bếp làm cho tôi một chiếc bánh táo nhỏ được không?
Steve ngây người nhưng vẫn nhẹ nhàng nói:
- Để tôi đi hỏi xem.
Nàng ngồi đó cả buổi, vui vẻ nói chuyện với Steve về danh sách và cách tính chỉ số trong Fantasy Football của nàng mùa này. Chàng trai trẻ chăm chú lắng nghe, rồi nhận xét:
- Tôi thấy rất ít ai phụ nữ mà lại ham hố trò này như cô. Cô bảo cô đến từ nước khác, sao lại đam mê món đặc sản bóng bầu dục ở Mỹ như thế chứ?
- Thật ra tôi vốn không thích bóng bầu dục. – Abby thở ra một hơi.
- Không thích? – Steve khẽ nhấn mạnh. – Chơi cả bóng ảo mà gọi là không thích sao?
Nàng cười rất vui vẻ:
- Thật ra, ai cũng nghĩ cứ phải xem thì mới chơi được bóng ảo. Tôi chỉ chạy mô hình giả định toán mà thôi. Còn xem thì.. – Ánh mắt Abby thoáng trùng xuống –.. tôi vốn chỉ thích bóng bầu dục đại học thôi.
Nàng đã nuốt lại một câu. Thật ra, chồng cũ của nàng, Vance Johnson, mới là lý do chính khiến nàng xem bóng bầu dục. Steve đang pha đồ uống cho một bàn khác, thong thả tiếp chuyện:
- Nhưng tôi thấy chuyện trong giải nhà nghề cô biết cũng không ít. Tuần trước, cô vì bênh vợ chồng Keith Patrick, mà thể diện cũng không cần còn gì.
- Chuyện đó.. – Abby giờ mới hồi tưởng lại hết –.. thật ra với ai tôi cũng sẽ như vậy. Người trong cuộc đã cảm thấy khó khăn rồi, một đám lâu la ở ngoài biết gì mà nói chứ.
- Người nổi tiếng thì cũng khó tránh. – Steve chép miệng – Ai cũng thấy có quyền nói. Mà một triệu người, chỉ cần mỗi người một câu thì chắc là ướt sũng trong nước bọt rồi.
Miệng Abby lần này ngoác đến mang tai. Nàng vừa bụm lại thì Steve làm dáng vẻ như chuẩn bị nhổ nước bọt đi đâu đó khiến nụ cười vừa nhịn xuống lại bật ra không kiềm chế. Cứ như thế chỉ vài giây sau, Abby đã biến thành cười ha hả rồi chảy cả nước mắt ra. Steve bị mấy đơn đồ uống dồn đến tới tấp nên dừng tiếp chuyện với nàng thế nhưng ý cười trên mặt anh ta không hề giảm.
Abby hôm nay uống hết ly rượu nhưng vẫn chưa rời đi. Nàng nhấm nháp chiếc bánh táo vẫn còn hơi ấm thêm chút nữa thì Steve quay ra hỏi:
- Một ly Rémy Martin nữa chứ?
Abby nghĩ một lúc lâu, tặc lưỡi:
- Tại sao không chứ?
Mùi hương lê thoang thoảng sau mũi khiến Abby rơi vào một khoảng trầm hơn. Steve thấy vậy cũng để nàng yên tĩnh. Đôi nam nữ hẹn hò phía sau đã dắt tay ra nhảy một điệu nhẹ nhàng. Abby nhìn theo chuyển động của họ, tủm tỉm cười. Một tình yêu bắt đầu có thể rất đơn giản như vậy đấy.
Abby không biết phía bên này Steve đang lặng lẽ ngắm nàng. Tuy cô gái trước mặt chẳng bao giờ say nhưng mỗi lần ngây ngẩn thả hồn trong suy nghĩ, nàng đều để lộ một gương mặt thoải mái nhẹ nhàng. Đôi mắt mơ hồ của Abby khiến anh ta khó lòng nhìn sang hướng khác.
- Abigail Bùi? – Một giọng nam phá vỡ sự tĩnh lặng.
Nàng nhìn về hướng phát ra giọng nói. Abby kinh ngạc nhìn vào đôi mắt hạt dẻ và khuôn cằm vương vức mà nàng đã biết từ rất nhiều năm trước:
- Sloane Beckinsale, cậu cũng ở đây sao? – Anh ta là bạn từ thời học trường luật của nàng.
- Tớ mới phải là người hỏi cậu đấy. Gia đình tớ đều ở đây nên học xong một năm là tớ chuyển về Philly rồi, có gốc dù sao cũng dễ phát triển hơn là một mình một xứ. Còn cậu đi công tác hay gì mà ở đây?
- Không. – Abby chần chừ. – Tớ chuyển hẳn đến Philly rồi.
Sloane nhìn xuống tay nàng, lại thấy một nét buồn phảng phất trên gương mặt, bèn hiểu ra. Chàng trai đĩnh đạc kéo một chiếc ghế ngồi xuống, chuyển chủ đề, ánh mắt vẫn rất ân cần quan tâm:
- Vậy cậu làm cho hãng luật nào rồi?
- Tớ làm liên quan đến luật thôi. – Abby nhẹ nhàng lắc đầu. – Giờ đang dạy cho Đại học B đấy. – Nàng không muốn nói chuyện công ty với bạn bè.
- Làm giảng viên cũng tốt, không căng thẳng mất ngủ suốt ngày. Tớ nhớ hồi còn trong trường, Giáo sư Jones luôn nói chính vì thích sự nghịch phá của sinh viên luật nên vẫn đi dạy để "giải trí." Cậu lại theo bước thầy rồi.
- Phải, nhưng mà chẳng thể nào giỏi bằng thầy được. – Abby gật đầu – Còn cậu? Giờ chắc sắp lên Đại diện rồi chứ.
Gương mặt Sloane để lộ một nét rạng rỡ lan sang tới mắt. Mái tóc nâu cũng hơi thoáng động. Đây là một niềm vui không thể mà chàng trai trước mặt không thể giấu vào trong:
- Tớ mới nhận quyết định tháng trước rồi.
- Vậy hôm nay là đi ăn mừng sao? – Nàng thật lòng hỏi bạn mình
- Cũng không phải. – Sloane lắc đầu – Tớ đãi văn phòng được mấy hôm nay rồi. Hôm nay, tớ cần bàn việc với khách hàng ở tầng trên. Xong việc hơi nặng đầu nên muốn làm một ly thôi. Chỉ không ngờ là gặp cậu ở đây. Xem ra đúng là có duyên thật.
- Giờ chúng ta đều ở Philly rồi, không phải có nhiều dịp gặp hơn sao? – Abby vui vẻ.
Hai người hàn huyên mãi tới khuya. Chàng phục vụ trẻ tuối có vẻ hơi thiếu kiên nhẫn, thi thoảng hỏi han thêm vài câu, khiến câu chuyện càng rôm rả. Ngay cả khi đôi nam nữ nàng tính tiền hộ rời đi, Abby cũng hoàn toàn không hay biết. Đến cuối buổi, Steve đưa hóa đơn cho nàng thì Sloane giành trả mất. Anh phục vụ trẻ muốn mở miệng ý kiến nhưng không biết làm sao. Abby không biết trên đó, cái bánh táo và ly rượu mấy trăm đô của nàng, Steve đã tự khấu trừ vào tiền công của mình rồi.
Chàng trai trẻ nhìn Sloane đi bộ đưa Abby về rồi thở dài. Steve có thể mộng tưởng gì chứ. Anh ta dẫu sao cũng chỉ là một người rất bình thường, ngày chạy ăn ba bữa để giành tiền học trường nấu ăn. Abby thì chỉ nhìn cách uống rượu, anh ta đã biết là có sở thích và khẩu vị rồi. Vậy nhưng, Steve rất nghèo, dù có thích nàng thì lấy gì để mà theo đuổi cơ chứ. Abby ít nhiều gì cũng là một giảng viên luật. Còn Steve, sự nghiệp vẫn chưa đầu chưa đuôi, vẫn còn là một con đường quá dài. Vị khách tên Sloane kia đã là đại diện hãng luật, Abby chọn ai không cần nghĩ cũng rõ. Steve hít một hơi, lủi thủi lau dọn quầy rượu rồi đóng cửa.
Phía bên này Sloane cũng đã đưa Abby về đến cửa tòa nhà. Tuy nấn ná một chút nhưng nàng không có ý mời anh ta lên. Sloane vui vẻ nói:
- Cậu vào thang máy rồi tớ sẽ đi.
Abby gật đầu, quay người vào trong. Trước khi thang đóng hẳn, nàng ngó cổ ra vẫy tay với anh chàng đại diện hãng luật nổi tiếng. Qua lớp kính dày, anh ta vẫn đọc được dấu môi của nàng:
- Khi khác gặp lại nhé.
Sloane nhìn theo Abby. Cửa đóng hẳn rồi, ý cười vẫn còn nguyên đó. Thật ra, anh ta đã thích Abby từ ngày ở Vanderbilt. Thế nhưng, lúc đó, Vance Johnson và nàng như hình với bóng, Sloane không có cửa chen chân nên thu mình lại. Ngày hai người kết hôn Sloane đã rất buồn nên bỏ về Philly mất. Cơ mà bây giờ họ chia tay rồi, nàng cũng chưa có con, đây chẳng phải là thời điểm thích hợp sao?
Sloane hơi chỉnh lại áo nhìn bản thân. Mỗi sáng anh ta đều tập chạy, tuy không đủ thời gian luyện tạ để vai u thịt bắt như nhiều người, nhưng bù lại chiều cao, chắc Abby sẽ không chê đâu nhỉ. Sự nghiệp của Sloane cũng đang rất phát triển. Gia đình phải nói là có tiếng và ảnh hưởng ở Philly. Abby cũng ở đây cứ như thể được trời sắp đặt vậy.
Quay lại quán, Steve dọn dẹp xong thì vội vã đón chuyến tàu muộn nhất để về nhà. Anh ta ở một căn hộ chung trong một khu phố nhỏ, cách trung tâm tầm 40 phút. Nơi này tuy cũng an ninh nhưng không sạch sẽ và rực rỡ như phía khách sạn hay khu nàng đang ở. Bạn cùng nhà anh ta mới bắt đầu chương trình Tiến sĩ nên hôm nào cũng thức khuya. Thấy tiếng lạch cạch ngoài cửa thì vội vã chạy ra mở. Hai người cười chào nhau. Steve nhẹ giọng hỏi:
- Tớ mua một chút bia và đồ nhắm, cậu có thời gian nghỉ chứ?
Người bạn này nhìn lên màn hình máy tính và mấy tập giấy bài chồng chéo lên nhau thở dài:
- Có làm cả đêm cũng không xong được. Nghỉ một tí mai dậy sớm làm tiếp vậy.
Hai người ngồi xuống sô pha, bật bia uống rồi cùng thở dài. Họ bật cười nhìn nhau. Anh bạn tên Micah cất tiếng hỏi:
- Bình thường cậu về đến nơi là đã mệt lử đử rồi. Hôm nay có tâm trạng gì sao?
- Cô gái tớ kể, cậu còn nhớ không? – Steve tựa đầu ra sau, ngửa cổ lên trần nhà cho đỡ mỏi.
- Cái cô mà rất thích Whiskey á?
- Ừ. – Steve thở dài.
- Có chuyện gì với cô ấy sao? – Micah lựa ý hỏi.
- Cô ấy có người thích rồi. – Steve kéo một chiếc gối vuông úp lên mặt mình – Mà tớ thì không có cách nào cạnh tranh được.
- Cậu đùa sao? – Micah nhíu mày – Cậu trông cách nào cũng đẹp như nam thần. Mấy đứa sinh viên tớ dạy chỉ thấy cậu có một lần hôm cậu quên chìa khóa qua văn phòng tớ lấy. Thế mà, chúng nó cũng rộ "thầy ơi thầy hỏi cho em cái anh" tóc đen, mặt dài, đeo kính, trông dáng rất thể thao "mà hôm trước lên đây được không ạ?" – Micah giả cả giọng nữ để chọc bạn mình.
Steve bật dậy ném nhẹ chiếc gối sang Micah, hoảng hốt hỏi:
- Vậy cậu có cho không đấy?
- Không. – Micah cười ranh mãnh – Tớ nói đứa nào điểm tốt, đến cuối kì tớ sẽ xem xét.
Steve thở phào một cái nhưng ánh mắt thoáng buồn:
- Nhưng mà ở chỗ Abby, tớ thực sự không có cửa nào. Sự nghiệp người kia so với tớ quả thật là một trời một vực.
- Xem cậu nói kìa. Chẳng lẽ đến tầm bác sĩ phẫu thuật hay đại diện luật sư? – Micah không quá để ý thế nhưng nhận thấy bạn mình gật gật thì phì cả bia ra. – Là cái trước hay cái sau?
- Cái sau.. Lúc trên tàu, tớ còn đọc được bài báo với tựa đề Luật sư bào chữa trẻ nhất Philly nữa. Anh ta mới ngoài ba mươi tuổi mà vừa rồi cãi thắng một vụ án oan giết người mười bảy năm cho một bị cáo bị kết án từ khi tròn mười tám đó.
- Cậu không phải đang nói tới Sloane Beckinsale đó chứ? – Micah tròn mắt.
- Đến cậu cũng biết anh ta sao?
- Thế thì.. – Micah thở dài –.. nếu sinh ra và lớn lên ở đây, có ai không biết đến họ Beckinsale chứ. Gia đình làm chính trị nhiều năm. Sloane này ngoài sự nghiệp phấp phới, còn có dáng vẻ vạn người mê nữa. Tớ còn nghe nói anh ta không dựa vào gia đình chút nào đâu.
- Vậy nên mới nói tớ không có cửa nào rồi. – Chàng phục vụ quầy rượu trẻ tuổi lại đập gối lên mặt mình.
Micah gật gù, vỗ vỗ vai bạn mình:
- Xem ra Abby của cậu đúng là ở giải trên, tranh đấu thế sẽ hơi mệt.
Anh bạn làm Tiến sĩ quay người vào nhà vệ sinh, không hiểu đã nghĩ gì lại nói:
- Nhưng mà cậu biết không. Đôi khi tớ thấy cái phụ nữ cần chưa chắc đã là những thứ vật chất kia đâu. – Anh ta bặm môi đôi chút. – Tớ thấy nếu tính cách Abby thích đùa, thích chính nghĩa và có những phút ngây ngô như cậu kể thì cô ấy rất có thể đánh giá cao sự hài hước và quan tâm chăm sóc hơn nhiều đấy.
- Cậu nghĩ thế sao? – Ánh mắt Steve dường như sáng hơn một chút.
Micah thấy vậy thì hạ giọng xuống, chép miệng:
- Nhưng mà tớ nói là nói thế. Tớ chỉ nói cậu thử hết sức còn đừng hi vọng nhiều quá là được.
Steve đợi bạn quay đi, tựa vai lên sô pha, ngửa mặt lên trần nhà lần nữa. Cũng chỉ còn cách này thôi nhỉ. Không quá hi vọng nhưng chưa thử đã nhận thua thì là thua chắc rồi.
* * *
Phía bên kia thành phố, Abby tất nhiên không biết tính toán, hi vọng, hay thậm chí ý định của những người muốn theo đuổi nàng. Hôm nay, tâm trạng nàng có gì đó thoải mái hơn. Nàng không rõ là do mình đã làm điều tốt cho cặp đôi kia, do Steve chọc cười nàng, hay do nàng gặp lại Sloane nữa. Abby cười cười:
- Rất có thể là do hai ly Rémy Martin tuyệt hảo cùng vị ngọt trong bánh táo kia.
Nàng vui vẻ đánh răng, rồi đi ngủ với một nụ cười trên mặt. Một lúc sau, không hiểu sao đôi mày vẫn nhíu lại. Vance.. Chia tay rồi mà sao nàng vẫn nhớ chồng cũ nhiều đến thế?
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT