Tết Trung Thu dường như là một đường ngăn cách do ông trời vẽ ra: Trước đó khô nóng khó chịu, sau đó càng ngày càng mát mẻ.
Từ Đông Bắc trở về, rốt cuộc Hồng Văn cũng thích ứng lại với cuộc sống ở kinh thành, buổi sáng dạy học ở Thượng thư phòng, buổi chiều trực ca tại Thái Y Viện. Chỉ có một vấn đề duy nhất vẫn luôn làm hắn canh cánh trong lòng: Màn tứ hôn trong tưởng tượng chẳng thấy bóng dáng!
Ấy mà một khi loại tiếc nuối nào đó trở thành thông lệ, thậm chí Hồng Văn còn dần dần bình tĩnh lại sau sự bồn chồn ban đầu.
Chính ra Hồng Nhai lại còn nôn nóng hơn so với hắn.
Ông vốn như đám mây nhàn rỗi trôi trên bầu trời, một con dã hạc bay khắp vùng đất hoang, quen với việc phiêu bạt bốn phương, hai chân chạm đất là cảm thấy khó chịu. Vốn ông chỉ muốn ghé đến kinh thành thăm tiểu đồ đệ rồi đi, kết quả người tính không bằng trời tính, ai có thể ngờ giữa chừng lại xảy ra nhiều chuyện như vậy? Hiện giờ ông vẫn bị chôn chân ở chỗ này.
Hầu như mỗi ngày ông đều gói ghém hành lý, nhưng mỗi đêm nhìn ánh mắt thất vọng của tiểu đồ đệ, thế là lại rón rén về phòng dỡ hành lý ra.
Lúc đầu Hồng Nhai nhượng bộ một bước: Đợi khi đứa nhỏ này thành hôn xong sẽ đi ngay.
Sau đó từ từ biến thành: Thôi thì nên chờ thánh chỉ tứ hôn ban ra, một khi mình xác thực được ngày thành hôn sẽ đi ngay, miễn cho tiểu đồ đệ viết thư cũng chưa có chỗ dừng chân để nhận...
Nhưng trăm triệu lần không ngờ Long Nguyên Đế lại dùng dằng đến như vậy, Hồng Nhai cố gắng chịu đựng ngày này qua ngày khác, dường như có thể nhìn thấy tính cách hoang dã chảy trong huyết mạch của mình đang dần dần biến mất.
Hôm nay đã hai mươi bốn tháng tám, ngày mai là tiết thu phân nhưng trời vẫn rất nóng.
Hồng Nhai lại nằm ngửa dưới giàn nho rậm rạp, quạt hương bồ trong tay đang hất nhẹ hai chùm nho chín muộn rũ xuống giữa đám dây leo.
Quả nho đã căng mọng, màu tím đậm đến mức gần như không thể hòa tan, kết hợp với lớp phấn trắng mờ ảo trên lớp da bóng khiến người ta bất giác chảy nước miếng.
Là thực sự chảy nước miếng, bởi vì quả nho của ông già Hà Thanh Đình trồng chả cách gì ăn nổi!
Hôm Tết Trung Thu mọi người cắt xuống mấy chùm, hí hửng nâng niu, mỗi người được chia một chùm nhỏ tự lột da, kết quả Bình Bình là người nếm thử đầu tiên hét lên bật khóc ngay tại chỗ: "Chua quá!"
Thật sự chua, Hồng Nhai vào nam ra bắc ngần ấy năm cũng chưa nếm qua thứ gì chua như vậy, vừa cắn một miếng là nước mắt nước mũi trào ra, mặt mày nhăn tít thò lò.
Ông cụ thẹn quá thành giận, giật lấy: "Các người đều không biết thưởng thức!"
Hà Nguyên Kiều run rẩy toàn thân, bưng chén trà điên cuồng súc miệng, nghe vậy vội nhắc nhở: "Gia gia cẩn thận..."
Lời còn chưa dứt, Hà Thanh Đình đã nhét quả nho vào miệng rồi cắn ngập.
Hiện trường một mảnh tĩnh mịch, tất cả mọi người trơ mắt nhìn Hà Thanh Đình run bần bật toát mồ hôi đầy người.
Cuối cùng ông cụ thuộc loại "vịt chết cái mỏ vẫn cứng", vừa chảy dãi vừa run run nói: "Thật, thật... ăn rất ngon mà!"
Nghĩ đến đoạn này, Hồng Nhai nhịn không được sờ sờ khóe miệng, cảm thấy hàm răng hơi bủn rủn.
Hôm nay ông cháu Hà gia trực ca đêm ở Thái Y Viện. Từ sau khi Hồng Văn kiêm luôn công việc dạy học ở Thượng thư phòng, cuộc sống hàng ngày thật ra rất có quy luật, giống các nông dân mặt trời mọc ra đồng mặt trời lặn về nghỉ, lúc này đã đạp ánh nắng chiều về nhà, đang tắm rửa.
Bà cụ Hà và cháu dâu thì được mời đi dự tiệc nên dẫn hai đứa nhỏ theo. Hồng Nhai nhìn chằm chằm vào ánh hoàng hôn rực rỡ như ngọn lửa đỏ phía chân trời, hai chân giơ cao bắt chéo lắc qua lắc lại.
Chà, thật muốn đi Tây Bắc xem sao...
Đang suy nghĩ vu vơ thì đột nhiên nghe có người gõ cửa, Hồng Nhai đang nhàn đến mụ người vội bật dậy tranh phần mở cửa của lão quản gia, vừa thấy mặt khách tới lập tức sửng sốt: Hình như trông quen quen.
Người tới ước chừng ba mươi lăm tuổi, tuy mặc thường phục nhưng bộ dáng quý phái khó mà giấu được, chứng tỏ trường kỳ ở địa vị cao.
Hồng Nhai sờ sờ bộ râu lởm chởm trên cằm, lại liếc nhìn đối phương một cái, càng cảm thấy hẳn là đã gặp qua ở nơi nào.
Ai ngờ người tới cũng đang nhìn chằm chằm ông, hai người ngươi nhìn ta, ta nhìn ngươi, không khí dần dần quỷ dị.
Dường như có thứ gì đó đang vùng vẫy, cố thoát ra khỏi vùng ký ức đầy bụi bặm.
Qua một lát, ánh mắt Hồng Nhai kinh hãi, hai cánh cửa đột nhiên bị đóng sầm lại.
Gần như cùng lúc đó, người khách buột miệng thốt ra: "Ngươi là Hắc..."
Hồng Nhai nép sau cửa lẩm bẩm chửi mẹ kiếp, bộ dạng quẫn bách hiếm thấy. Vừa lúc Hồng Văn đầu tóc ướt nhẹp đi ra, Hồng Nhai sáng mắt, ba bước cũng thành hai bước phóng đến: "Đồ đệ ngoan, sư phụ có chút việc cần đi trước..."
Lời còn chưa dứt, tiếng đập cửa cuồng loạn vang lên: "Rốt cuộc ngươi họ gì?"
Ngay sau đó là hai câu tức muốn hộc máu chửi tục.
Hồng Văn trợn mắt há hốc mồm: Là giọng của Long Nguyên Đế!
Cơ mà bệ hạ còn biết chửi tục, thậm chí chửi tục ngay ngoài đướng!
Bên kia, Hồng Nhai nhanh chóng xách bọc hành lý, vớ lấy trường thương phi thân qua đầu tường muốn chạy. Ai ngờ Long Nguyên Đế bên ngoài âm trầm ném ra một câu: "Ngươi dám chạy, trẫm lập tức giết đồ đệ ngươi!"
Hồng Văn: "...?!" Có liên quan gì đến ta đây trời!
Chờ ba bên bình tâm tĩnh khí ngồi xuống thì đã là hai khắc sau.
Nói chính xác thì Long Nguyên Đế đang ngồi, những người khác thì đứng.
Long Nguyên Đế bệ vệ an tọa ở chủ vị, đứng chéo phía sau là Vạn Sinh, ngay bên dưới là Hồng Nhai trông vừa chột dạ vừa bất đắc dĩ, dưới nữa là Hồng Văn mặt mày mờ mịt.
Hồng Văn nhìn Long Nguyên Đế sắp nổi bão, nhìn nhìn Hồng Nhai, cuối cùng dùng ánh mắt hỏi Vạn Sinh: [Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì thế ạ?]
Vạn Sinh nặn ra nụ cười khổ: [Chuyện dài lắm, thực sự ngoài ý muốn.]
Vào Thái Y Viện được hai năm, Hồng Văn coi như khá hiểu tính tình Long Nguyên Đế, thật đúng là chưa từng thấy bệ hạ nổi giận kinh như vậy.
Các đường nét trên mặt đều căng chặt, quai hàm bạnh ra rõ ràng đang nghiến răng, gương mặt đen sì.
Nhiều năm làm hoàng đế không phải để chơi, Long Nguyên Đế uống hai ngụm trà, khi mở miệng lại vô cùng bình tĩnh.
"Rốt cuộc ngươi họ Hồng hay là Hắc?"
Hồng Nhai sờ sờ mũi: "Ngài muốn gọi thế nào cũng được."
Ngọn tà hỏa mà Long Nguyên Đế thật vất vả áp xuống lại bùng lên, ngài vung tay đập nát chén trà: "Ngươi lớn mật!"
Hồng Nhai không quan tâm, quay đầu nhìn Hồng Văn thở dài: "Đồ đệ ngoan, hôm nay hai sư đồ chúng ta hãy cùng nhau chịu chết, coi như con báo đáp ơn dưỡng dục của ta. Nếu có duyên, kiếp sau chúng ta sẽ làm phụ tử."
Hồng Văn nhìn ông rồi nhìn nhìn Long Nguyên Đế, trong miệng trong lòng cùng đắng nghét. Đây là chuyện gì vậy?
Thời trẻ sư phụ từng gây chuyện cỡ nào? Tại sao đi đến đâu cũng có người nhào ra tính nợ cũ?
Trong niềm lo lắng và dè chừng của Hồng Văn và Vạn Sinh, Long Nguyên Đế giận quá hóa cười: "Giỏi giỏi giỏi, nói hay lắm! Kiếp sau phải chăng ngươi vẫn có thể nói mình họ Bạch họ Hoàng?"
Hồng Nhai tặc lưỡi, có vẻ hơi thiếu kiên nhẫn: "Cũng được luôn ấy mà."
Hồng Văn cảm thấy thái độ lần này của sư phụ rất kỳ quái, ít nhất lần trước khi lão Trấn Quốc công đánh tới cửa, Hồng Nhai cũng chột dạ nhưng không trộn lẫn loại bài xích như thế này.
Hắn ngẩng đầu nhìn Long Nguyên Đế, thấy tay ngài bóp tay vịn ghế nổi gân xanh chằng chịt.
Hồng Nhai cũng thấy, hơi nhíu mày: "Hoàng Thượng đừng tức giận như vậy, người không biết còn tưởng thảo dân là kẻ phụ lòng. Nhớ khi xưa không biết ai nói mình là thương hộ ra ngoài buôn bán, thảo dân chưa hiểu việc đời nên bị lừa gạt, tự cho mình gặp được tri kỷ, dọc đường hăng hái bán mạng cho người ta..."
Nói đến đây quay đầu nhìn Hồng Văn: "Người hoàng tộc bẩm sinh đã có bao nhiêu chiêu trò, chỉ mười mấy tuổi là có thể giấu trời qua biển. Ấy mà thằng ngốc con đây vẫn mơ mộng hão huyền lấy được Công chúa, một ngày nào đó bị người ta bán quách còn giúp họ đếm tiền!"
Hồng Văn vô cùng kinh ngạc: Chuyện này hắn thật sự không biết chút gì!
Khi hắn nhìn lại Long Nguyên Đế, phát hiện vẻ mặt bệ hạ cũng có chút hối hận.
"Trẫm... Lúc ấy ta nhận nhiệm vụ phụ hoàng giao phó, đương nhiên phải đề phòng." Long Nguyên Đế nói ra lời này rõ ràng là yếu ớt.
Hồng Nhai khoanh tay cười khẩy: "Dọc đường thảo dân hộ tống hơn một tháng, máu chảy không biết bao nhiêu chén, tuy từng thắc mắc vì sao trên đường quá đông sơn tặc nhưng chưa từng sinh lòng nghi ngờ bệ hạ. Có câu 'Đường dài biết sức ngựa, ở lâu thấy lòng người', đoạn đường dài hơn ngàn dặm, thảo dân là người hay quỷ chẳng lẽ bệ hạ không thể phân rõ? Bệ hạ thật sự đề phòng quá cẩn thận rồi."
Vốn tưởng rằng mình ôm chuyện thiên hạ có thể được đối đãi thiệt tình, không ngờ nửa đêm tình cờ nghe được đối phương nói chuyện với mấy tùy tùng hoài nghi thân phận của mình, trái tim tràn ngập nhiệt huyết lạnh xuống bảy phần.
Mình đâu thiếu nợ ai, hà tất phải dán mặt nóng vào mông lạnh! Hồng Nhai tuổi trẻ nổi giận không thể kiềm chế, đêm đó bỏ đi không từ giã.
Từ đấy về sau, Hồng Nhai chỉ giúp đỡ bình dân bá tánh, không thèm để ý tới sống chết của đám quyền quý.
Dẫu chỉ nghe vài lời ít ỏi nhưng Hồng Văn đã có thể phác họa ra toàn bộ quá trình, những vấn đề trước kia không nghĩ ra nháy mắt thông suốt:
Vì sao sư phụ bài xích kinh thành đến thế? Vì sao có thể không màng ngày đêm chăm sóc mấy người ăn mày, nhưng lại khịt mũi coi thường kẻ có tiền, há mồm là đòi phí chữa bệnh ngàn vàng...
Vì sao lúc trước mình nói muốn cưới công chúa, sư phụ lập tức không ngủ không nghỉ mấy ngày lao ra quan ngoại, giúp mình chuẩn bị giấy tờ tùy thân giả để khi cần thì chạy trốn...
Có lẽ năm đó Long Nguyên Đế xác thật có khổ tâm, nhưng đối với một thiếu niên hiệp khách mới ra đời, trái tim tràn đầy nhiệt huyết lại bị người nghi ngờ, thế đã đủ khiến người bài xích cả đời.
Vì thế khi Hồng Văn nhìn lại Long Nguyên Đế, chợt cảm thấy bệ hạ giống ác nhân cáo trạng trước.
Long Nguyên Đế há miệng ngắc ngứ, toàn thân dường như đều uể oải.
Chẳng lẽ số mệnh của mình là phải trở thành kẻ cô độc? Giờ đây ngay cả một chút an ủi từ thời niên thiếu rốt cuộc cũng rời mình mà đi.
Cuối cùng Long Nguyên Đế vẫn chưa nói hôm nay ngài lại đây làm gì, ngồi im khô khốc một lúc lâu rồi đi, bóng lưng trông có vẻ tiêu điều.
Hồng Văn tiễn vài bước, lại trở về nhìn sư phụ nhà mình: "Sư phụ..."
Hồng Nhai thở dài, xua xua tay: "Đóng cửa."
Kết quả sáng sớm ngày thứ ba, Long Nguyên Đế ban ra hai đạo thánh chỉ:
Một là tứ hôn cho Trưởng công chúa Gia Chân và Hồng Văn, giao trách nhiệm cho các bộ liên quan tổ chức lễ thành hôn vào cuối năm;
Hai là thăng chức cho Thái y Hồng Văn kiêm nhiệm tiên sinh của Thượng thư phòng, chức quan từ tứ phẩm, được lãnh song bổng lộc.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT