Đêm hội trung thu nhộn nhịp. Lũ trẻ quanh khu bệnh viện tấp nập rước đèn. Trong bệnh vện lũ trẻ cũng rạo rực. Những đứa còn đang bệnh nặng không rời giường, trên đầu mỗi giường bệnh là một chiếc đèn lồng sặc sỡ cùng với mấy món hoa quả bánh trái đặc trưng cho trung thu. Những đứa bệnh nhẹ hoặc đã khỏi tập trung ngoài sảnh xem văn nghệ, những trò hát hò rồi đóng kịch. Y tá Vân được giao vào vai chị Hằng dẫn chương trình cùng với chú cuội là chú Xuân bảo vệ. Ngân Hà ngồi phía dưới giúp lũ trẻ lột vỏ bưởi, chia bánh kẹo. Mỗi đứa trẻ đều cầm trên tay một chiếc đèn, đứa này là đèn hình cá, đứa kia là đèn bí ngô, có đứa lại đèn ngôi sao… sặc sỡ đủ màu, đứa nào đứa nấy trong ánh mắt đều ngời lên hạnh phúc.

Một đứa bé gái chừng năm tuổi gầy gò, dù trong muôn loại ánh sáng sặc sỡ của đêm hội trăng rằm vẫn thấy toát lên một làn da xanh xao, đứng phía sau kéo kéo áo Ngân Hà.

“Bé Hồng à, đèn ông sao của em đâu?”. Ngân Hà ghé sát tai đứa bé vì tiếng nhạc và tiếng dẫn chương trình trên sân khấu ồn ào quá. Đứa bé nhìn Ngân Hà mếu máo, lắc đầu.

“Lúc nãy đông người quá chiếc đèn của bé Hồng đã bị mấy anh lớn sô đẩy rơi và bị dẫm hỏng rồi!”. Người phụ nữ trẻ tầm tuổi Ngân Hà đứng bên cạnh nói vào.

Ngân Hà nhìn người phụ nữ rồi nhìn đứa bé, lại ghé sát vào tai nó.

“Vậy bé Hồng chờ một chút, chị Ngân Hà đi lấy đèn khác cho em nhé”. Đứa bé nghe thấy thế khuôn mặt đã giãn nở, gấp gáp gật đầu như sợ chậm một chút là chị Ngân Hà sẽ đổi ý.

“Hai mẹ con chờ ở đây nhé, tôi đi một lát rồi quay lại”. Ngân Hà nhìn người phụ nữ, cố gắng nói thật to đè tiếng nhạc.

Ngân Hà đứng dậy đi nhanh về phía nhà ăn sát khu bếp. Hôm qua lúc dán đèn lồng cô đã bỏ lại một chiếc bị gãy một thanh khung bằng nan tre. Giờ chỉ cần lấy một mẩu nan khác, đè lên chiếc nan cũ rồi kiền dây lại là có thể dùng được. Ngân Hà mở cửa nhà ăn, ánh điện ở đây vẫn mờ mờ sáng tối, vì thường đêm trung thu người ta sẽ tắt bớt đèn điện để hưởng bầu không khí tự nhiên, để đón ánh sáng trăng rằm cho trọn vẹn nhất. Không muốn làm mất bầu không khí đó Ngân Hà cũng không bật đèn điện. Phải nói cánh cửa khu nhà ăn này cách âm thật tốt, mới khép lại thôi mà hầu như bao nhiêu tiếng ồn ào đều đã như ngay lập tức dừng lại ở phía ngoài.

Ngân Hà đi vội về phía góc phòng nơi cô đã cất những nguyên vật liệu thừa hôm qua. Đây rồi, chiếc đèn bị lỗi vẫn nằm ở đây, có cả mấy cọng nan thừa, cả dây vẫn đầy đủ. Ngân Hà ngồi xuống, sờ thấy chỗ gãy, khi đang định bật đèn flash điện thoại để xem cho rõ thì bỗng giật mình.

Có tiếng mở cửa.

Tiếng nhạc chen vào cùng với tiếng chân người bước vào. Chưa đầy năm giây tiếng nhạc đã tắt.

Ngân Hà định đứng dậy xem là ai thì tiếng nói phát ra khiến cô dừng lại, nấp mình chỗ góc tối.

“Viện trưởng, vì sao ông làm thế?”

“Đây là lần cuối tôi nói với chị, con bé là con tôi, tôi có quyền quyết định”

“Ông vẫn nhớ con bé là con ông kia à?”. Giọng nói chua chát.

Im lặng một lúc.

“Chị có ý gì đây?”

“Ý gì ông phải tự hiểu chứ?”. Vẫn giọng nói ấm ức.

“Tôi nói lại, nó là con tôi, có cho phép hay không quyết định là ở tôi”

“Nhưng chúng nó đã đăng ký kết hôn rồi, ông không cho phép nó về đây tổ chức có phải là ông muốn nói với nó rằng ông xấu hổ vì nó. Viện trưởng, ông là cha, dù con có đui què mẻ sứt đáng ra ông vẫn phải tự hào, huống hồ con bé đã học hành trọn vẹn theo đúng ý ông, người nó cưới về, dù ông không thích nhưng vẫn là người nó đã chọn. Ông phải học cách tôn trọng con bé. Ông có biếtbao năm qua sự thiếu tôn trọng của ông đã khiến con bé tổn thương đến thế nào”

“Tôi cho nó đi học không phải để nó vội vã yêu đương rồi vội vã kiếm chồng”

“Kết hôn thôi mà, đằng nào chẳng phải kết hôn, dù sớm hay muộn vẫn phải làm như vậy. Đây chỉ là con bé kết hôn sớm vài năm”

“Nếu muốn thế thì cứ tự đăng ký rồi sống với nhau đi, đừng hỏi ý kiến tôi”

“Nhưng con bé là con ông, nó cũng có khao khát được cha dắt tay đưa vào lễ đường, được chúc phúc”

“Vậy cứ chờ đấy, hiện tại tôi không rảnh làm những chuyện đó”

“Viện trưởng…ông…”. Tiếng nói nghẹn lại trong cổ họng người phụ nữ.

“Tôi nói rồi, muốn tổ chúc cưới thì chờ đấy, tôi hiện tại không rảnh”. Giọng nói người nam giới rành mạch dứt khoát.

“Viện trưởng, con bé không thể chờ được, nó có thai rồi”.

Im lặng trong chốc lát.

“Chị nói gì?”. Sau một hồi im lặng cuối cùng người đàn ông đã không giữ được bình tĩnh.

“Đúng thế, nó có thai hai tháng rồi. Ông không mau cho nó tổ chức cưới đợi cái thai lớn lên có phải định làm nhục mặt nó rồi nhục mặt ông không?”

“Thằng khốn, tôi nhất định không để nó yên!”. Người đàn ông hình như định vùng đi thì người phụ nữ đã nhanh tay chộp tay ông lại.

“Viện trưởng, tôi xin ông, xin ông hãy bình tĩnh. Dù ông không ưa nhưng cuối cùng nó vẫn là cha của đứa bé. Hơn nữa chúng giờ đã trở thành vợ chồng hợp pháp ông còn gây khó dễ gì. Chỉ là mong ông đón nhận nó, tổ chức một lễ cưới cho chúng nó. Dù gì con bé đã sống năm năm ở đây, đây cũng như là nhà. Ông không thông báo chính thức làm sao con bé có thể vác mặt về. Ông phải cho nó đường về thăm ông rồi thăm chúng tôi cho đàng hoàng chứ!”

“Tôi không có loại con mất nết ấy!”. Viện trưởng giận dữ, mở cửa bước ra. Tiếng nhạc lại chen vào réo rắt, giờ là các tiết mục văn nghệ của mấy em nhỏ trong viện. Lời bài hát lúc gần lúc xa, lúc to lúc nhỏ. “Em đi xem hội trăng tròn, áo quần hài gấm bảnh bao, nhìn lên trên trời ông trăng, so lên bóng em nằm nghiêng”.

Tiếng bước chân nữa lại đi ra. Cửa đóng lại. Tiếng nhạc một lần nữa lại mất hút. Ngân Hà đưa tay vỗ ngực. Quả tình vừa rồi cô rất sợ bị viện trưởng và cô Lan phát hiện ra cô đã nghe toàn bộ câu chuyện của họ. Thật sự giờ trong đầu cô giờ rối rắm lắm. Những điều cô vẫn cho là đúng hóa ra không phải là đúng, những điều cô vẫn nghĩ là thế hóa ra không thực sự là thế. Cô tưởng viện trưởng phải rất chào đón Bình An làm con rể, dù gì anh ấy cũng là người ông gây dựng lên. Thái độ của viện trưởng hôm nay rốt cuộc là gì? Đáng lẽ ông ấy phải rất thích Bình An mới phải. Nhưng rõ ràng trong lời nói của ông ấy là cả một sự coi thường kinh khủng. Nếu đã như vậy vì sao ông ấy lại để cho anh cai quản cơ ngơi đồ sộ mà ông đã mất bao năm gây dựng?

Ngân Hà cầm điện thoại bật đèn flash. Sau đó cặm cụi sửa lại chiếc đèn hỏng. Dù lòng có rối bời rốt cuộc cô vẫn phải hoàn thành những việc đang bày ra trước mắt. Khi sửa xong đèn lồng Ngân Hà liền đi ra phía ngoài tìm đến chỗ bé Hồng đưa cho nó. Khỏi phải nói bé Hồng đã vui sướng đến cỡ nào. Nó nhất định đòi mẹ thắp nến rồi bắt cô ấy phải ngay lập tức đưa đi rước đèn quanh sân cùng mấy anh chị hơn tuổi. Ngân Hà bần thần. Đúng là cuộc đời anh ấy, chuyện xung quanh anh ấy chuyện nào cũng phức tạp. Vốn tưởng bản thân nhạy cảm có thể đoán biết được nhưng đứng trước tình huống đêm nay rốt cuộc cô không hiểu gì hết. Chỉ có chắc chắn một điều là anh ấy và Thu Thủy đã đăng ký kết hôn, còn việc tổ chức công khai có lẽ chỉ là một sớm một chiều. Hy vọng đám cưới của bọn họ sẽ diễn ra sau khi cô rời khỏi đây!

“Chị Ngân Hà!”. Tiếng Hồng Phong thẽ thọt sau khi tiệc trung thu đã tàn vào lúc mười giờ đêm.

“Chuyện gì thế?”. Ngân Hà vừa hỏi, tay vừa thu dọn nốt những thứ còn sót lại ngoài sân.

“Chị sắp xong việc chưa?”

“Sắp xong rồi, chỉ còn thu nốt chỗ này thôi!”

“Vậy em giúp chị!”. Hồng Phong nói rồi sắn tay vào ôm mấy chiếc ghế xếp chồng lên nhau, kê gọn vào một góc.

“Có chuyện gì cần chị sao?”. Sau khi xong việc Ngân Hà đứng quệt mồ hôi hỏi thằng bé.

“Đi thả đèn hoa đăng với em nhé?”

“Chỉ hai chị em mình thôi sao?”. Ngân Hà nhìn quanh, mọi người giờ đã giải tán gần hết, chỉ còn một hai nữ tạp vụ đang dọn dẹp nốt khu vực nhà kho. Người ở đây thực sự đi ngủ rất sớm. Chín giờ đêm hầu như tất cả đã lên giường rồi chứ không như ở Hà nội, ở Hà Nội giờ này có khi một cuộc sống khác mới bắt đầu. Thực ra đến lúc này Ngân Hà vẫn chưa quen được nhịp sống mới, giờ cô cũng không thể chợp mắt lúc chín, mười giờ tối. Khi mọi người đắp chăn say giấc là lúc cô sẽ dành thời gian đọc sách, hoặc dịch sách thuê.

“Mọi người chắc về đi ngủ hết rồi!”. Thằng bé nhìn cô mắt long lanh. Trong đêm tối thật sự ánh mắt của nó sáng lắm, ánh mắt của sự thông minh lanh lợi, ánh mắt của một đứa trẻ hiểu chuyện.

“Vậy đi thôi!”.

Mất mười phút đi bộ thì hai chị em mới có mặt ở bên bờ suối. Đoạn suối chảy qua địa hình này êm dịu hơn vì địa hình bằng phẳng hơn chứ không như đoạn gần thượng nguồn tuần trước khi Ngân Hà cùng mấy người nữa đi qua trên đường đến thăm nhà bé Hồng, đoạn suối đó chảy dữ dội và cũng có phần nguy hiểm.

“Thả đèn hoa đăng ở đây có lẽ nó sẽ chảy xuống tận dưới hạ nguồn đấy”. Ngân Hà thầm thì, không muốn tiếng nói của mình phá tan bầu không khí gần như tĩnh mịch tuyệt đối của buổi đêm, chỉ có một vài tiếng róc rách khe khẽ của dòng suối nhỏ.

“Vâng, em muốn dòng nước sẽ mang ước mơ của em đi thật xa!”. Hồng Phong cũng thì thầm, rồi cầm hộp diêm quẹt lửa thắp nến. Chẳng mấy chốc chiếc đèn hình những cánh hoa sen trắng hồng sáng lên, bập bùng thổi sáng một khoảng không gian nhỏ. Trong ánh nến không thật rõ Ngân Hà thấy khuôn mặt của Hồng Phong, có vẻ hồi hộp có vẻ nghiêm túc. Cậu bé đưa hai tay nâng chiếc đèn khẽ thả xuống mặt nước. Chiếc đèn xoay xoay vòng vòng ban đầu rồi nhanh chóng trôi ra xa.

“Có thể nói cho chị biết em đã ước điều gì?”. Ngân Hà nhìn đôi mắt lấp lánh của thằng bé.

“Em ước nhiều lắm”. Thằng bé nhìn Ngân Hà. “Nhưng thật ra em cũng không tin chúng trở thành sự thật”.

“Nói gì vậy?”. Ngân Hà ngạc nhiên nhìn thằng bé. Có lẽ cuộc sống bươn trải quá sớm đã khiến nó sớm trở thành ông cụ non rồi. “Nếu không tin thì thả đèn làm gì?”

“Thì cứ thả thôi, còn những điều ước chính em sẽ là người biến chúng thành hiện thực”

“Phải”. Ngân Hà nói rồi chắp hai tay cầu nguyện. “Dù có vẻ không nên khiến một đứa trẻ thất vọng nhưng chị vẫn phải nói với em là chị cũng chỉ tin vào chính mình”

“Em không phải là một đứa trẻ!”. Hồng Phong làm ra bộ mặt nghiêm túc nhìn Ngân Hà.

“Mười lăm tuổi vẫn là trẻ con đó!”. Ngân Hà phì cười.

“Em đủ trưởng thành rồi, em có thể quyết định cuộc đời em!”. Vẫn ánh mắt nghiêm túc.

“Vâng, ông cụ đã trưởng thành rồi, được chưa?”. Dáng vẻ nghiêm túc của thằng bé khiến Ngân Hà không khỏi buồn cười.

“Em nói thật đó, em không thích chị coi em là con nít!”.

“Thôi nào, chị chỉ là đùa thôi, không cần phải nghiêm trọng đến thế!”

“Chị nói vậy nhưng trong lòng chị nghĩ khác. Có phải em không đủ tin cậy, có phải chị vẫn coi thường em. Tuổi tác đâu có nói lên được con người đã trưởng thành hay chưa, có nhiều người dù lớn tuổi nhưng hành động còn thua một đứa con nít”

“Ồ, chị chỉ đùa thôi mà, hôm nay em sao vậy?”. Ngân Hà ngạc nhiên nhìn thái độ của thằng bé. Đây là lần đầu tiên nó cư xử như vậy.

“Thả đèn xong rồi thì về thôi!”. Thằng bé dường như bỏ ngoài tai những lời phân bua của Ngân Hà, cũng không thèm đợi cô mà quay người bỏ đi luôn. Ngân Hà sau thoáng ngạc nhiên liền vội vã chạy theo thằng bé. Khi về đến ký túc xá thằng bé cũng không thèm quay lại nhìn hoặc chào Ngân Hà mà đi thẳng vào phòng. Ngân Hà đi theo sau chỉ kịp ú ớ thì chiếc bóng gầy gầy đã khuất sau chiếc cửa gỗ.

Ngân Hà đứng lại một hồi. Thằng bé hôm nay bị làm sao vậy? Đã qua tuổi vị thành niên lâu rồi nên cô không thật nhớ rõ bản thân mình lúc đó. Liệu có phải bất cứ ai qua độ tuổi đó đều thất thường mưa nắng như vậy không?

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play