Nửa đêm, nghe những tin tức như thế, người ngoài như tôi cũng cảm thấy hốt hoảng. Thế nhưng Phong vẫn bình tĩnh như thường, thậm chí còn hỏi một câu rất thờ ơ:– Chuyện đó thì liên quan gì đến cháu?– Chú biết cháu giận bố, nhưng dù sao ông ấy cũng là bố ruột của cháu, người đẻ ra cháu. Giờ bố cháu bị tai nạn đang nguy kịch lắm, cháu vào viện với bố đi. Đừng để sau này lỡ có chuyện gì lại ân hận.– Cứ để bác sĩ cứu chữa đi, cháu không phải bác sĩ, vào đó cũng chẳng giải quyết được gì. Từ giờ những chuyện thế này chú đừng gọi cho cháu nữa.Nói xong, anh không đợi đầu dây bên kia trả lời đã tắt máy, không những thế, còn tắt luôn cả nguồn điện thoại.Tôi không biết giữa hai bố con anh phải mâu thuẫn đến mức nào thì Phong mới tuyệt tình đến mức như thế, nhưng cũng không dám khuyên anh, chỉ đợi đến khi Phong nằm lại xuống giường mới lẳng lặng vòng tay sang, ôm lấy anh.Phong vỗ vỗ lưng tôi, khẽ nói:– Ngủ đi. Ngày mai làm sau.– Vâng.Nói là nói thế nhưng cả tôi và anh đều không ngủ được, bình thường khi Phong ngủ say sẽ ôm cứng lấy tôi, chân vắt lên eo tôi, nhưng hôm nay nhịp thở của anh mãi không thể đều được, thỉnh thoảng, tôi còn nghe thấy vài tiếng thở dài rất khẽ.Tôi hiểu, có lẽ anh cũng đang tự đấu tranh với chính mình về chuyện có nên đi đến bệnh viện không, bởi vì chẳng có đứa con nào có thể yên lòng khi bố ruột mình đang cấp cứu trong đó cả. Cuối cùng, tôi đành thu hết can đảm lên tiếng:– Anh, em kể cho anh một chuyện được không?Phong khẽ giật mình, quay sang thấy tôi đang mở mắt mới hỏi:– Em vẫn chưa ngủ à?– Anh chưa ngủ nên em cũng chưa ngủ. Nằm mãi tự nhiên lại nhớ đến một chuyện.– Chuyện gì?– Chuyện ngày nhỏ của em.– Ừ.– Anh có muốn nghe không?– Em kể đi.– Hồi 12 tuổi thì mẹ em đi rồi, thấy bảo xuống thành phố làm việc, nhưng mẹ chỉ gửi thư về thôi, đi tận mấy năm trời cũng không về qua nhà lần nào. Bọn em chờ mãi không thấy mẹ về, rồi bị bạn bè trêu nữa nên tủi thân, xong cũng giận mẹ nên mẹ gửi thư về cũng không đọc nữa. Vài lần như thế thì mẹ em cũng thôi, không gửi gì về nữa, từ đó đến nay 10 năm rồi cũng không liên lạc gì.– ….– Nhưng mà giờ lớn rồi, nghĩ lại mọi chuyện mới thấy ai cũng có quyền tìm cuộc sống riêng, mẹ không chịu được khổ nên bỏ đi cũng là quyền của mẹ. Thỉnh thoảng xem chương trình Điều ước thứ 7 trên tivi ấy, em thấy người ta nhận gia đình thì tự nhiên cũng nghĩ không biết giờ mẹ em sống thế nào, hoặc có còn sống không, giờ đã có gia đình mới chưa, có bao giờ nhớ đến bọn em không. Xong rồi em cũng tự trách mình nữa, em nghĩ nếu ngày đó em không cố chấp thì có khi bây giờ em mọi chuyện đã khác rồi.– Em nghĩ khác thế nào?– Ít ra không phải ân hận vì vứt bỏ mẹ. Cứ để mẹ vứt bỏ bọn em thì cảm giác của em sẽ dễ chịu hơn.Khi nghe xong câu này, bỗng dưng ánh mắt anh bất chợt biến đổi, như có thêm một chút thương xót lẫn sâu nặng nhìn tôi. Tôi nghĩ, người thông minh như anh chắc chắn sẽ hiểu được hàm ý trong những lời tôi nói, mà quả thật, một lát sau bỗng nhiên anh cúi đầu hôn lên trán tôi, khẽ hỏi một câu:– Em ngủ một mình được không?– Được ạ. Bây giờ chắc vẫn còn kịp. Anh đi đi.– Xong việc anh sẽ về.– Vâng. Em biết rồi, em không đợi anh đâu, em đi ngủ luôn giờ đây.– Ừ.Tôi không tiễn anh, chỉ lẳng lặng nhìn anh mặc quần áo vào, sau đó lại lẳng lặng nghe tiếng cửa chính đóng lại mới yên tâm ngồi dậy bật đèn. Cả đêm hôm ấy anh không về, tôi cũng thao thức không ngủ nổi.Mãi đến gần sáng, mệt quá nên tôi mới chợp mắt một lúc, đến 8h sáng ngủ dậy mới thử vào mạng xem tin tức, đúng là gia đình Phong là một gia đình rất danh tiếng nên chủ tịch xảy ra chuyện là ngày mai sẽ có báo viết ngay.Tôi đọc một tờ báo thấy giật tít: Chủ tịch tập đoàn Hoàng Phong bị tai nạn trên đường cao tốc, tình hình đang rất nguy kịch. Kèm theo đó là một tấm ảnh một chiếc xe 7 chỗ bị đâm biến dạng, xung quanh là những mảnh vỡ văng tán loạn khắp nơi.Tôi muốn biết tình hình hiện tại của bố anh nên tìm thêm mấy tờ báo nữa, nhưng tờ nào cũng chỉ viết sơ sơ là bố anh bị tai nạn xe mà thôi, không chỗ nào nói còn sống hay đã c.hế.t.Đang lúc sốt ruột thì lại thấy chị Hoa gọi điện đến:– Mày ơi, đọc báo chưa?– Em vừa đọc rồi ạ.– Sáng nay mấy thằng cha hôm trước đến chỗ tao, mà kể vụ nhà ông Phong ấy. Hôm nay đến lại rầm rộ nói đến vụ chủ tịch tập đoàn Hoàng Phong nên tao cũng hóng, rồi tao mới vào mạng xem. Nghe nói ông ấy đang nguy kịch lắm à?– Vâng. Em cũng chỉ biết thế thôi, không rõ tình hình thế nào.– Thế ông Phong có ở nhà không?– Không ạ. Anh ấy đi từ tối qua rồi, giờ vẫn chưa về.– Chắc giờ ông ấy cũng đang rối đấy, mày nhắn tin an ủi ông ấy đi. Những lúc thế này mình nên động viên thì tốt hơn. Người ta không thích thì mặc kệ người ta, mình cứ có lời động viên cho phải đạo.– Vâng, em biết rồi ạ.Cúp máy xong, tôi cũng đắn đo mãi mới nhắn tin cho Phong. Tôi không dám hỏi thẳng mà chỉ bảo tình hình bên ấy thế nào rồi. Hình như Phong đang bận nên rất lâu sau đó mới nhắn lại:– Không sao cả, chỉ bị gãy xương đùi với mất máu nhiều thôi. Giờ ổn rồi.– Vâng, không sao là tốt rồi ạ. Anh cũng đừng lo lắng.– Lúc nào em về quê?– Em định 12h trưa lên xe.– Anh không về được, vẫn phải truyền máu. Em tự bắt taxi ra bến xe nhé?– Vâng, em tự đi được mà. Anh truyền máu thì phải ăn thêm vào, không là bị choáng đấy. Từ sáng đến giờ anh ăn gì chưa?– Ăn rồi, đừng lo.– Vâng. Em soạn đồ đây, anh ngủ đi nhé. Khi nào về đến nhà em sẽ nhắn tin cho anh.Thực ra tôi soạn đồ sẵn rồi, nhưng sợ anh nhắn tin bằng một tay nên mới nói dối thế, với cả tôi cũng ngại làm phiền Phong, vì dù sao khó khăn lắm anh mới có thể gạt bỏ mâu thuẫn sang một bên để đến bệnh viện với bố mà. Bố anh mất nhiều máu, mà anh thì đang truyền máu, nghĩa là anh đang truyền máu của mình cho ông ấy nhỉ?Buổi chiều, một mình tôi tay xách nách mang lỉnh kỉnh đồ về quê. Ngồi trên xe rời Hà Nội giống như nhiều lần trước đây, nhưng chẳng biết sao tâm trạng của tôi cứ thấy khác lắm, tựa như không nỡ vậy. Chắc là vì phải xa một người đàn ông mà tôi yêu nên tôi mới thấy không nỡ nhiều như thế đây mà.Trầy trật hơn 7 tiếng đồng hồ mới có thể về đến bản, từ chỗ dừng xe đến nhà tôi còn phải đi bộ gần 1 cây số nữa. Tôi lếch thếch về được đến nơi đã là 8h giờ tối, xung quanh các hàng xóm đã tắt đèn đi ngủ hết nên đường xá tối om như mực, chỉ có mỗi căn bếp nhà tôi là vẫn còn sáng đèn.Tôi dò dẫm đi vào thì thấy bố tôi đang ngồi nướng ngô, xung quanh là mấy đứa em đang ngồi đọc sách. Nghe tiếng động, con Út ngước lên thấy tôi mới reo ầm ỹ:– A, chị Giang về, chị Giang về.– Con chào bố.Bố tôi vội vàng phủi tay đứng dậy, gần một năm rồi không gặp, tóc ông bạc đi không ít, người ngợm vì phơi gió phơi sương mà đen nhẻm, mới hơn 50 thôi mà già như 60, 70 tuổi vậy.– Về rồi đấy à? Sao không gọi bố ra đón?– Con đi bộ có tý ấy mà. Bố đang rang ngô à?– Ừ.Tôi cười cười, quay sang hỏi mấy đứa em đang ôm cứng lấy mình:– Mấy đứa sao học tối thế? Không bật điện lên mà học. Chị Thu đâu?– Bật đèn tốn điện lắm nên bọn em xuống đây học cho nhanh. Chị Thu đi học rồi, chắc muộn mới về ạ.– Lại đây ngồi nào, chị mua quà cho mấy đứa đây này. Có ô mai, có hoa quả sấy, có cả quần áo với sách vở nữa nhé.– Yeahhh, thích quá. Em yêu chị Giang, em thương chị Giang nhất trên đời.– Chỉ được cái dẻo miệng. Cái này là để phần cho chị Thu nhé, đứa nào cũng có phần, không được tranh nhau.– Dạ.Lâu rồi tôi mới về nên mua quà không thiếu phần của ai cả, bố tôi ngoài thuốc ra tôi cũng mua thêm mấy bộ quần áo mới cho ông mặc, quần áo của ông sờn rách hết cả rồi. Cuối cùng chia đồ xong thì còn có mỗi phần của con Thu thôi, mọi người ngủ hết rồi mà mãi vẫn chưa thấy nó về nhà.Tôi ở Hà Nội thức muộn cũng quen rồi nên cứ ngồi chờ nó, xong tranh thủ lúc ấy mới nhắn tin cho Phong:– Anh ơi, em về đến nhà từ lúc 8h rồi. Anh ăn cơm chưa?Lần này, rất nhanh sau đó anh đã trả lời lại:– Có say xe không?– Em uống thuốc nên chỉ nôn có mỗi một lần thôi. Về đến nhà cái là tỉnh táo hẳn rồi. Nhưng mấy đứa em cứ quấn lấy nên giờ mới nhắn tin cho anh được.Phong gửi cho tôi một tấm hình chụp đĩa cơm tây, kèm theo một dòng:– Hôm nay tạm thời hơi mệt nên chưa hẹn gặp các em người yêu cũ. Tối nay lại phải cô đơn rồi.– Có cần em book một người đẹp đến cho anh không? Em quen biết nhiều lắm đấy, anh thích các cô em ngây thơ cũng có, nóng bỏng cũng có.– Số đo ba vòng thế nào?– 80 – 60 – 80.– Không vừa tay bằng em. Thôi, để anh cô đơn đi.Đọc xong tin này, tôi không nhịn được phì cười. Đang lạch cạch định nhắn lại thì tự nhiên nghe tiếng mở cửa, liếc thời gian trên màn hình mới thấy đã 11 giờ đêm rồi mà con bé Thu mới về.Nó bước vào nhà thấy tôi mới giật mình:– Ơ, chị về rồi đấy à?– Sao em về muộn thế?– À… em còn phải ôn bài với bạn nên hơi lâu.– Tóc tai em làm sao thế kia? Sao tóc đang dài đẹp lại cắt đi, còn nhuộm màu gì nữa thế?– Ôi bây giờ ai để tóc dài nữa, gội đầu vướng lắm. Em cắt đi cho đỡ vướng ấy mà.Tôi nhìn bộ dạng của con bé Thu cũng đủ đoán được dạo này nó bắt đầu đua đòi rồi, nhưng bây giờ đang ở độ tuổi ẩm ương, chửi bới mắng mỏ cũng không được, thế nên tôi vẫn nhẹ nhàng khuyên nhủ:– Con gái con lứa để tóc dài mới đẹp chứ. Em đừng có nghe mấy đứa bạn rồi học theo chúng nó.– Vâng, em biết rồi. Lần này chị về lâu không?– Chị về chắc 2, 3 hôm gì đó thôi. Dạo này em học hành thế nào? Còn một kỳ nữa là thi tốt nghiệp rồi đấy, đã định đăng ký vào trường nào chưa?– Em định học Du lịch thôi.– Sao hồi xưa bảo thích học Luật cơ mà, sao giờ lại học Du lịch?– Học Luật ra cũng chẳng có tương lai gì cả, học du lịch sau còn làm hướng dẫn viên, không thì có điều kiện thì làm lễ tân hoặc tiếp viên hàng không.– Em cứ tính cho kỹ, đăng ký vào trường gì cũng được, nhưng phải học tốt cái đã rồi mới chọn được.– Vâng.Lúc tôi đưa cho con bé Thu một ít quà, nó nhận xong mới tiện miệng hỏi:– Mà chị ơi, lâu nay chị có liên lạc với mẹ không?– Không. Sao tự nhiên lại hỏi thế.– À… không có gì.– Sao thế? Nói chị nghe xem nào. Em gặp mẹ à?– Vâng. Hôm trước thấy dì bảo mẹ về, xong mẹ hẹn gặp em. Bây giờ nhìn mẹ khác lắm chị ạ, em không nhận ra nữa cơ. Hình như giờ mẹ nhiều tiền lắm, nhìn như dân thành phố ấy.– Thế mẹ nói gì với em không?– Chỉ hỏi linh tinh thôi. Xong cho số điện thoại, bảo lúc nào rỗi thì gọi cho mẹ.Tôi biết, thiếu vắng mẹ là một điều thiệt thòi, nhất là với những đứa con gái như bọn tôi. Tôi không trách em, cũng không ngăn cản nó liên lạc với mẹ, chỉ bảo:– Ừ. Em liên lạc với mẹ cũng được, nhưng mà tránh bố đi. Lâu nay bố không muốn nhắc đến mẹ hay nghe gì đến mẹ đâu. Nghe được bố lại buồn.– Vâng, em biết rồi. Mà nãy chị nhắn tin với ai mà cười ghê thế, chị có người yêu rồi hả?– Đâu, bạn thôi. Thôi rửa tay chân rồi đi ngủ đi.Sáng hôm sau, tôi dậy từ 4h sáng sửa soạn đồ làm giỗ cho bà. Ở quê nên giỗ mời rất đông, làm tận 4 mâm cơm, riêng nấu nướng với dọn rửa thôi cũng đã hết cả ngày rồi.Mãi đến tận khi trời tối mịt tôi mới có thời gian sờ đến cái điện thoại, mấy đứa em tôi chơi kiểu gì mà gần hết cả pin, phải vừa cắm sạc vừa mở tin nhắn ra, thấy mấy tin nhắn của chị Hoa với cả mấy tin quảng cáo linh tinh, tôi kéo mãi mà chẳng thấy tin nào của Phong cả.Tôi nhắn tin trả lời chị Hoa xong mới gửi cho Phong một tin:– Tự nhiên nhớ Hà Nội quá.Chờ mãi, chờ mãi cũng không thấy anh nhắn tin trả lời lại, tôi sốt ruột nên cứ lăn đi lộn lại trên giường mãi, sau chán quá lại vào mạng xem có tin tức gì không, đúng lúc này thì thấy Zalo báo “Linh cập nhật cảm nghĩ mới”. Tôi tò mò ấn vào xem mới thấy cô ta chụp ảnh 2 đĩa cơm trong bệnh viện, bên cạnh còn có một dòng:“Bay mấy nghìn cây số trở về, hy vọng bình yên sẽ đến với gia đình tôi”.Hình ảnh phản chiếu từ chiếc thìa sáng loáng là cổ tay đeo đồng hồ của một người đàn ông, dù không rõ ràng lắm nhưng kiểu dáng đồng hồ này tôi biết, bởi vì Phong hay đeo nó mà.Tim tôi bất giác chùng xuống, lúc này Linh trở về cũng không có gì là lạ, mà anh đang ở bên cạnh vợ chưa cưới nên không trả lời tin nhắn của tôi cũng chẳng có gì là lạ, nhưng sao nghĩ đến lòng tôi vẫn cứ nhói đau như vậy nhỉ?Đau đến mức chẳng muốn quay về Hà Nội nữa, chỉ muốn trốn ở đây cả đời thôi. Nhưng mà tôi không thể không quay về được nhỉ?Trằn trọc cả đêm hôm ấy, tới tận 4h sáng tôi mới có thể ngủ được, nhưng chỉ chợp mắt được mỗi một tiếng là phải tỉnh dậy phụ bố làm việc nhà, xong nấu đồ ăn sáng cho mấy đứa em để bọn nó còn đi học.7h tôi dẫn con Út ra chợ cóc ngoài đầu bản, đang loay hoay chọn mấy món đồ ăn ngon ngon thì tự nhiên có một bà bán hàng tạp hóa nói:– Đây có phải là cái Giang con nhà ông Lân không nhỉ?– Vâng. Cháu Giang cô ạ.– Lâu lắm mới thấy mày về thế? Dạo này càng lớn càng xinh ra nhỉ? Cứ như hoa hậu ấy. Thế có người yêu chưa?– Cháu chưa cô ạ.– 25, 26 tuổi rồi mà chưa có người yêu thế, phải lấy chồng đi chứ, bằng tuổi mày con tao có 4 đứa con rồi đấy.Người ở quê hay nói như thế nên tôi không để ý, chỉ cười cười cho qua chuyện thôi. Thế nhưng đột nhiên có một bà mua hàng gần đấy tự nhiên lại bảo:– Sao tao nhìn cái con này cứ quen quen thế nào ấy nhỉ? Trước có lần tao xuống cái nhà hàng gì ở Hà Nội bắt thằng chồng tao về hình như có gặp mày một lần rồi. Mày làm phục vụ ở nhà hàng đúng không?Quá khứ ở Phố Hoàng Thành là thứ đáng sợ nhất với tôi, khổ nhục gì tôi cũng chịu được, nhưng nếu bị mọi người ở quê phát hiện ra thì chắc tôi chỉ còn nước bỏ xứ mà đi mất. Tôi sợ nên lắc đầu lia lịa:– Không, cháu không làm ở nhà hàng ạ. Chắc cô nhầm rồi.– Nhầm là nhầm thế nào, tao thấy mày quen lắm, đúng cái mặt này, hồi tao hỏi có người còn bảo gì mà Ngôi sao sáng chói nhất ở Phố Hoàng Thành. Là mày chứ còn ai nữa. Mày làm gái ở phố Hoàng Thành đúng không?Con Út đang đứng bên cạnh tôi, nghe thế mới bực bội chỉ mặt bà kia bảo:– Cái cô này buồn cười thế, chị cháu làm công nhân, chị cháu không phải làm gái. Cô đừng có đứng giữa đường giữa chợ nói linh tinh, đến lúc người ta hiểu nhầm cháu bắt đền cô đấy.– Chị mày đẹp gái thế kia tao nhầm sao được, không đẹp gái mà cái nhà hàng ấy phong cho chị mày là ngôi sao à? Cái loại chuyên đi cướp chồng người khác mà còn đòi bắt đền tao á? Có mà tao phải nói cho cả làng cả tổng biết ấy.Bà kia nói to nên mấy người xung quanh bắt đầu quay lại nhìn, tôi thì xấu hổ với cả sợ quá nên mồm miệng cứng ngắc, mãi không thể cãi lại câu gì. May mà cô bán tạp hóa tốt bụng nói đỡ thay:– Ơ cái chị này buồn cười, cái Giang nó đẹp gái liên quan gì đến chuyện nó làm gái. Chị có bằng chứng hãy nói, chứ đừng có bảo nhìn mặt nó quen mà nói thế, lỡ không phải thì tội nó.– Tôi bảo tôi nhớ gặp nó thật mà lại.– Thôi thôi, người với người giống nhau chứ bà cứ nhớ thế thì ai mà biết được. Con gái nhà người ta còn chưa lấy chồng, bà đừng có nói linh tinh, chừng nào bắt được tận tay thì hãy nói. Hôm trước cán bộ chẳng về bản tuyên truyền rồi à, vu oan cho người khác cũng phạm pháp đấy, bà cứ nói linh tinh rồi công an đến nhà bắt bà đi.Bà kia nghe thế có lẽ cũng sợ nên chỉ hậm hực lườm tôi một cái rồi bỏ đi, lúc ấy tôi cũng không dám nán lại chợ nữa nên chỉ cảm ơn cô bán tạp hóa rồi vội vàng kéo tay con Út đi về.Trên đường về, nó thấy tôi mãi không nói gì mới bảo:– Chị ơi, bà ấy nói linh tinh chị nhỉ?– Ừ. Bà ấy nói linh tinh đấy, em đừng tin.– Vâng, em không để ý đến đâu. Nhà mình nghèo tiền nghèo bạc chứ có nghèo nhân cách đâu mà đi làm gái. Có đói c.hế.t cũng không làm cái nghề bẩn thỉu đó chị nhỉ?– Ừ. Út yên tâm đi, chị không làm thế đâu.– Vâng, chị đừng buồn nhé. Mấy bà ở chợ hay lắm lời lắm, mấy lần còn cứ bảo em là “Không có mẹ thì chúng mày rồi cũng vớ vẩn cả thôi”. Lúc đầu em nhịn không nói lại, nhưng sau em tức nên em cãi tay đôi luôn.– Kệ người ta, người ta là người lớn, mình đừng cãi lại, họ nói tự họ nghe.– Nhưng mà em tức.Hôm ấy về nhà, tôi làm gì cũng cứ thấp tha thấp thỏm mãi, cứ nghe thấy tiếng người đi vào là lại sợ bà kia đến nói với bố tôi chuyện gặp tôi ở Phố Hoàng Thành, xong rồi lại nghĩ đến tương lai, nghĩ đến chuyện lỡ như mọi người trong nhà tôi biết được sự thật thì tôi sẽ như thế nào.Ở quê, dù nghèo nhưng quan niệm về đạo đức vẫn rất cứng rắn, khi tôi mới bắt đầu xuống Hà Nội làm việc thì bố tôi luôn dặn dò đừng để bố phải xấu mặt với họ hàng, làng xóm láng giềng. Tôi hiểu nên lúc nào cũng luôn tự nhủ mình rằng có khổ đến mấy cũng sẽ không làm gái. Nhưng đến khi ra tù, mất phương hướng, lại không thể tìm được việc làm, tôi gần như cùng đường nên mới phải đến Phố Hoàng Thành.Khó khăn lắm mới có thể rút chân ra được, lỡ như bung bét tất cả, tôi phải làm sao đối diện với bố tôi đây? Cả mấy đứa em luôn lấy tôi làm gương nữa?May sao mấy ngày tiếp theo tôi ở quê vẫn bình yên trôi đi, sau hôm ấy không ai nhắc gì đến chuyện tôi làm ở Phố Hoàng Thành nữa. Tuy nhiên, suốt mấy ngày này Phong vẫn không liên lạc gì cả, tôi thì sợ Linh vẫn còn ở Việt Nam nên cũng không dám quay về Hà Nội.Mãi đến chiều hôm thứ 5 sau khi tôi về quê mới thấy anh gửi tin nhắn đến:– Không xuống Hà Nội nữa à?Nhìn thấy tin nhắn của anh, tim tôi bất giác đập loạn lên, vừa tủi thân lại vừa vui mừng, nhưng mà cũng không dám vồ vập nên chỉ bảo:– Em đang chờ khi nào anh hết bận mới xuống.– Hết bận rồi. Có cần anh lên đón không?– Không, đường xa lắm. Để em tự xuống thôi. Anh đi làm về chưa?– Chưa. Đang chuẩn bị đi tiếp khách, lại phải uống rượu, mệt c.hế.t.– Anh ăn gì đi rồi hãy uống nhé, uống rượu không chẳng mấy chốc thủng dạ dày đấy.– Anh biết rồi. Khi nào xuống thì gọi anh, anh ra bến xe đón em.– Vâng.Tôi đoán chắc Linh lại đi rồi nên Phong mới có thời gian nhắn tin cho tôi, với cả anh đã nói thế nghĩa là tôi có thể quay về Hà Nội. Dù sao ở nhà mãi cũng không được, với cả tôi còn phải làm số liệu rồi dạy thêm online, cho nên tôi chỉ ở lại quê thêm một ngày rồi bắt xe xuống Hà Nội.Vì xuống đến nơi là đầu giờ chiều nên tôi không báo với Phong, sợ phiền anh nên tôi tự bắt taxi về cho tiện. Tôi xách theo toàn quà quê xuống, có thịt gà bố tôi làm, ít rau, cả bánh tam giác mạch nữa. Lúc vừa mới ôm đống đồ lỉnh kỉnh lên đến nhà thì gặp một người đàn ông ăn mặc như tắc kè hoa đứng ở cửa. Vừa thấy tôi, anh ta đã tròn xoe mắt hỏi:– Này cô em, đây có phải nhà Phong không?Tôi thấy người lạ nên không dám trả lời luôn, chỉ hỏi ngược lại:– Anh là ai thế ạ?– Bạn của Phong. Không có số của nó nên không gọi được, chỉ nhớ mỗi nhà thôi. Không biết có đúng nhà này không nhỉ?– Vâng. Đây là nhà của anh Phong, nhưng giờ này anh ấy ở công ty, không có ở nhà ạ.Người kia sờ sờ cằm một lúc rồi bỗng dưng lại nhìn tôi từ đầu đến chân một lượt:– Cô em là gì với Phong thế? Sao biết rõ lịch trình của nó thế? Xách lắm đồ thế kia, vào đây tiếp thị thực phẩm à?– À… vâng. Em vào tiếp thị thực phẩm ạ.– Cái bánh kia có vẻ ngon đấy. Bán bao nhiêu.– Bánh này em không bán.– Tiếp thị thực phẩm sao không bán? Bán cho tôi đi, tôi cho em tiền.– Em không bán ạ. Cái này có khách đặt rồi.– Tôi trả hơn.Nói xong, anh ta móc ra từ trong túi ra một xấp tiền đô đưa cho tôi, rồi còn nhất quyết đòi ăn bánh tam giác mạch nữa. Tôi không dám nhận tiền, mà chối mãi cũng không được nên đành chia cho anh ta một cái bánh tam giác mạch.Gã tắc kè hoa ăn vừa ăn ngấu nghiến vừa hỏi:– Cô em tên gì?– Em tên Giang. Sao thế ạ?– Cho tôi số điện thoại đi. Tôi thích bánh này, hôm sau tôi muốn ăn thì mang đến cho tôi.Tôi định tìm cách từ chối, nhưng đúng lúc này thì có tiếng Phong vang lên:– Tránh xa cô ấy ra.Gã tắc kè hoa lập tức mắc nghẹn, trợn mắt quay lại thấy Phong mới vội vội vàng vàng nuốt xuống, sau đó mới reo lên:– Về rồi đấy à? Tôi cứ tưởng cả đời này không gặp lại cậu nữa cơ đấy. Lại đây nào, lại đây cho tớ ôm một cái.– Buồn nôn c.hế.t được.– Haha.Phong vội vàng tránh đi rồi đi về phía tôi, anh không hề quan tâm đến gã tắc kè hoa kia mà chỉ hỏi:– Sao về không báo trước để anh đi đón?– À…Tôi đang định trả lời thì cái gã tắc kè hoa kia vội vàng chạy tới, mắt chữ A mồm chữ O bảo:– Này khoan đã, hai người quen nhau à?– Ừ.– Cô này không phải tiếp thị thực phẩm à?Phong hơi nhíu mày:– Không.– Thế cô ấy là ai? Người giúp việc mới của cậu hả? Hay cậu dạo này đổi gu rồi, bắt đầu thích bao nuôi mấy em rau sạch nai tơ thế này?Phong không bận tâm đến mấy lời gã tắc kè hoa nói mà chỉ lạnh nhạt đáp:– Cô ấy tên Giang, gọi cho đàng hoàng.– Ồ…Nói đến đây, Phong mới quay sang nhìn tôi, giới thiệu một cách miễn cưỡng:– Cậu ta tên Khánh, từ giờ nếu cậu ta đến đây làm phiền thì em cứ đuổi thẳng cổ đi.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play