Thế rồi lấy nhau, cho dù vì mục đích gì đi nữa, cho dù vì
tác động bên ngoài như thế nào chăng nữa, cho dù yêu hay như thế nào đi chăng nữa, mình vẫn hỏi:
- Vì sao anh lấy em?
Lần thứ nhất hỏi, lúc ấy là khi chàng bảo:
- Em à, mẹ đi xem ngày rồi đấy. Mẹ bảo tháng 11 này chúng mình sẽ cưới. Em thấy hay không?
- Lạ kỳ chưa, bên họ nhà anh lại có người mới mất à?
- Đâu, có ai mất đâu.
- Thế sao mẹ lại cho cưới?
- Em nhớ dai thế, anh cũng chịu. Thầy bây giờ lại nói khác.
Thôi mà, anh không lấy em là anh cũng chẳng lấy ai đâu. Em đừng
như thế, anh chết đấy.
- Vậy thì … anh chết đi.
Chàng ngồi thụp xuống, cái mặt nhăn nhúm như bị cói gặp
trời mưa. Mình ức, sau một năm rồi vẫn ức, nhưng nhìn chàng
cũng thấy động lòng. Mình ngồi xuống cỏ cạnh chàng và hỏi:
“Vì sao anh lấy em?”.
Chàng lặng lẽ nhìn xuống đất, nhổ cỏ. Đám cỏ vô tội cứ
bị phạt dần theo tay chàng. Kiểu này sáng mai Công ty Công viên
cây xanh phải trồng cây khác đến phát ốm đây. Chàng lí nhí
trong miệng:
“Vì anh yêu em”.
…
Lần thứ hai mình hỏi khi hai đứa cãi nhau vì tiền: Lại là
tiền. Đồng tiền bát gạo thường không đi sóng đôi với tình yêu,
trách nhiệm vợ chồng hay cái gì lãng mạn đại loại khác. Nhưng không có nó, chắc chắn không có những thứ kia bền lâu. Lương
nhân viên ít ỏi của mình không đủ gánh lấy cái thúng đựng sự
sống của hai đứa. Những kế hoạch, dự định và lo toan của
chàng đều được xếp vào vòng bí mật. Chẳng đưa cho vợ đồng
nào nhưng cũng chẳng nói rõ cho nhau hiểu là vì sao. Hỡi thế
giới đàn ông, ai chẳng biết lúc nào các anh cũng cho rằng mình là người làm việc trọng đại, tốt hơn hết phụ nữ không nên
dính vào. Nhưng đôi khi cùng đắp chung một cái chăn thì cũng nên tâm sự với nhau một tí. Âu cũng là tỏ sự tin tưởng và cần
nhau.
- Anh, hôm nay có bao nhiêu tiền em dồn hết để nộp tiền ăn cho mẹ rồi. Mai đi làm em còn đúng 50. 000 đồng trong ví.
- Em đúng thật là…
“chẹp!” chàng nhăn mặt tỏ ý khó chịu, bất đồng, không cảm
thông hay giải quyết vấn đề. Chàng nhăn nhó qua từng câu nói:
- Nhưng công ty em hôm nay có thông báo nợ lương hai mươi ngày
nữa. Mà tháng nào em cũng đưa cho mẹ đầu tháng. Hôm nay đã là
mồng mười rồi.
- Anh nói thế mà nghe được à. Mẹ có đẻ ra em đâu mà biết
thương em. Anh cũng có nói với mẹ là không nuôi nổi vợ đâu mà
mẹ biết thương em. Em sống ở đây xa lạ như lạc đường, giờ anh
còn nói với em vậy à?
Câu chuyện có vẻ như càng ngày càng bế tắc, luẩn quẩn và
gay gắt. Mỗi một lời nói là một lần làm tổn thương nhau. Mỗi
giây phút cãi cọ là một giây phút cách xa nhau hơn. Mình chỉ
muốn nói cho bõ tức, còn chàng sẵn tay cái gì là ném luôn.
Mình càng ngoạc to mồm cho bõ. Ở đây chỉ có mình chàng, mình
mới dám như thế nên đổ dồn hết tất thảy. Còn chàng cho đi tong cái điện thoại. Hình như chàng bắt chước phim Hàn Quốc.
- Anh lại còn giở trò ném nữa à? Sao không kiếm cái gì rẻ
rẻ mà ném. Ném cái điện thoại mai lấy tiền đâu ra mà mua.
- Cô im đi. Đừng có lắm mồm.
- Im ư? Anh nghĩ lại cho kỹ rồi trả lời em nhé: Vì sao anh lấy em?
- Chẳng vì cái gì cả. Vì tôi… ngu!!!
Sốc, mình như vỡ òa. Câu nói có dao thì phải. Nó đâm thẳng
vào trái tim đang sôi sục vì kế sinh nhai chứ đâu phải sôi sục
vì tình yêu. Bao nhiêu nhọc nhằn đi làm công ăn lương từ sáng
đến chiều, bao nín nhịn những người lạ để thuận hòa trên
dưới. Cuối cùng cũng vì chữ NGU của chàng. Mình ức quá, xông
tới đá chàng một cái vào mông. Mình hét lên:
- Anh ra phường mua đơn về điền đi, tôi ký. Giờ không phải
viết nữa đâu, có mẫu sẵn rồi! Tôi cũng chẳng thiết. Tan thì
tôi cho tan luôn.
Giá như trước đó một hai ngày chàng biết kể cho mình vài
điều về những dự định hay tí ti về công việc mà chàng đang đi
tối ngày. Giá như cho dù chàng không kiếm được những đồng tiền hay để dồn cho một thứ gì đó, mình cũng biết nó ở chốn nào tí chút thì đã không bất mãn như thế. Lời nói mềm như gió
nhưng có khả năng giết chết người. Quan văn đi ra trận chỉ bằng
lời nói cũng đánh được hàng vạn quân.. Giờ thì trong đầu
những kẻ nóng giận có còn ai biết là mình nói gì nữa đâu.
Các cụ dạy: “Lời nói chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nhưng đâu có ai học nổi cái tinh cao võ luyện
đó trong lúc cáu giận, chỉ muốn gào lên cho bõ thôi. May quá,
phòng có độ cách âm tốt. Không thì bố mẹ chàng đã xông lên
lót lá chuối đuổi mình ra khỏi nhà rồi. Ai bảo dám chống đối lại trai làng Đông. Thế là con voi bị tổn thương và cái ao bèo ít nhiều khi đá ném xuống cũng kêu đánh tủm, sóng nước dập
dềnh, ào cả lên mặt ao. Chẳng biết thế giới đàn ông, lúc ấy
chàng nghĩ gì.
…
Lần thứ ba mình hỏi khi ngồi ở ghế hà
ng chờ trong bệnh viện. Vừa hôm qua ăn đầy hai tháng con gái, hôm nay đã phải gửi vộ con cho bà nội để tất tưởi đến đây ngồi
chờ. Có bao nhiêu tiền tích cóp để đẻ, giờ lại để lo tiếp cho bố mình. Bố phải nằm lại viện. Bệnh viện có cái tên rùng
mình: Viện K. Cầm tờ giấy xét nghiệm còn thơm mùi mực: “K hạ
họng” và lắng nghe diễn giải của bác sĩ, mình chỉ thấy ù ù. Trong đầu mình là một bản đồ sao vội vàng vạch hướng. Đi vay
tiền để kịp nộp viện phí. Ngổn ngang kế hoạch và chán nản.
Còn ba tháng nghỉ đẻ chưa có thu nhập nào, chàng vẫn bí mật
với những lần đi tối ngày, những xa vời mờ mịt làm mình chán nản. Lấy quần áo mặc ra ngoài đường để lao tới cô dì chú
bác vay tiền mà không có nổi cái nào. Vừa đẻ xong, làm sao
mặc được.
- Bố ổn rồi, không sao đâu, còn 15 phút nữa là ra khỏi phòng phẫu thuật thôi. Chú Bảo cũng đang trên đường lên rồi. Ở đây
nhà mình có người quen mà, lo gì.
- Anh ơi – mình quệt tay lau nước mắt và nước mũi như đứa
trẻ bị bỏ lại sau trò chơi trốn tìm – Vì sao anh lại lấy em
chứ?