Anh hùng mạt lộ, giữa lúc gặp gian truân mà có người tha thiết với mình, há lại không mong điều hồi đáp? Tuy nhiên Nỗ Nhĩ Cáp Tề đường đường là
một vị công tử, con trai lớn của quan đô đốc đương nhiệm, nếu đem nói sự thật cả ra thì e rằng mất thể diện cha mình. Bởi vậy, Nỗ đành phải đặt
điều nói dối cho qua. Chàng nói cha mẹ chàng đã mất cả, chỉ còn lại có
một mình mình, côi cút túng nghèo, phải lưu lạc tha hương.
Ông
lão họ Quan thấy chàng tình cảnh đáng thương, bèn dắt chàng về nhà, cho
ăn uống tử tế. Ông ở một mình nơi đây, không vợ cũng chẳng có con. Những khi lên núi săn bắn, ông bảo Nỗ ở lại coi nhà. Lúc nhà rảnh ông lại dạy cho Nỗ năm ba miếng võ ở ngay đám đất trống trước nhà. Nỗ vốn tính
thông minh hiếu học, rất chăm luyện võ, chưa đầy năm mà đã có một bản
lĩnh kha khá.
Ông lão họ Quan hàng ngày săn bắn được khá nhiều
hươu nai cầy cáo. Nỗ ở nhà làm thịt lột da rồi căng lên khung phơi khô
để ông đem bán ở chợ Phủ Thuận. Nỗ cũng thường theo ông đi chợ và quen
biết một số con buôn, trong đó người Hán chiếm đa số. Bọn này thấy Nỗ
người thẳng thắn đàng hoàng nên cũng thích giao du, thường mời Nỗ tới
nhà chè chén, bởi vậy Nỗ cũng hiểu biết được khá nhiều phong tục của
người Hán.
Một hôm, có ông lão họ Đông ngồi trên một cỗ xe lớn đi qua phố để ra chợ. Chẳng ngờ, xe của ông bỗng sút trục bánh văng ra
ngoài, lật úp sang bên đường, không ai có sức nhấc lên nổi. Ông lão họ
Đông, may là nằm gọn trong thùng xe không đến nói bị đè chết. Nỗ thấy
thế vội chạy tới, ghé vai vào càng xe rồi đem hết sức bình sinh đứng
phắt dậy. Sức Nỗ mạnh quá khiến cả cỗ xe bị hất bổng lên. Ông lão bò ra
được khỏi xe, thoát nạn. Mọi người đứng quanh ai cũng tấm tắc khen Nỗ
khoẻ.
Ông lão họ Đông mời Nỗ qua nhà chơi. Nỗ thấy ông có nhiệt
tâm biệt đãi, không tiện từ chối nhưng chẳng lẽ bỏ Quan lão một mình
liền đưa mắt hỏi ý ông. Quan lão cười nói:
- Cụ Đông là một người có tên tuổi ở chợ Phủ Thuận. Nhà cụ giàu có lắm, người được cụ Đông mời về nhà là được hướng phúc rồi đấy.
Họ Đông vốn là một họ lớn nơi quan ngoại. Lão Đông có nhiều trang viện rộng mênh mông, chung quanh
toàn là ruộng tốt riêng trâu ngựa đã có đến bốn năm trăm con. Trong nhà
còn có sáu bảy chục gia nhân làm lụng quần quật suốt ngày.
Từ khi về nhà họ Đông, Nỗ được cử làm quản gia, trông coi toàn bộ gia nhân.
Bọn người này tính tình thô lỗ, một lời nói không hợp tức thì gây sự
đánh nhau. Lúc đầu, chúng không thèm để ý tới, nhiều khi còn chế nhạo là khác. Song thấy Nỗ có đến mà chẳng có đi, chúng sinh lòng ganh ghét.
Một hôm, có một tên biệt hiệu là Ngưu Ma Vương, người vừa đen vừa xấu, ngồi trên một phiến đá bên bờ ruộng, cật tiếng hát một bài có ý mỉa mai,
giễu cọt Nỗ. Hát xong hắn vỗ tay cười sằng sặc, cái miệng đã méo lại
càng méo thêm.
Bọn gia nhân làm đồng thấy hắn cười, chẳng hiểu
phải trái gì cũng vỗ tay cười theo. Nỗ lúc đó từ nhà vừa ra tới nơi,
nghe cười bực mình lắm, từ từ tiến tới sát mặt Ngưu Ma Vương, rồi như
một tia chớp, Nỗ đưa tay chộp lấy cánh tay hắn vặn ngoéo ra sau, bắt
trật lên tới tận gáy, tay kia giáng cho một đấm mạnh đến nỗi hàm của
Ngưu vẹo hẳn sang một bên. Ngưu đau quá, chỉ còn biết há mồm kêu la om
xòm. Cuối cùng, Ngưu đành phải hạ mình xin tha, thề không dám hỗn xược
như trước nữa. Ngưu vốn là tay dữ dằn nhất trong bọn gia nhân, đã đầu
hàng rồi thì bọn kia cũng bở vía, bèn quỳ cả xuống đất lạy Nỗ, tôn Nỗ
làm sư phụ.
Ngoài cổng trang trại có một miếng đất rộng. Trong
lúc rảnh rỗi sau những buổi làm đồng, Nỗ Nhĩ Cáp Tề lại đem bọn đồ đệ ra đó dạy võ. Một năm trôi qua, bọn gia nhân kẻ nào cũng học được ít nhiều ngón võ. Nỗ thường xuyên đấu với chúng. Tất nhiên, chẳng có kẻ nào địch nổi Nỗ.
Một hôm, vào giữa mùa hè, cây cỏ muôn hoa đang lúc tươi
xanh, người ta thấy khá đông gia nhân ngồi nghỉ mát dưới bóng cây cố
thụ. Nỗ Nhĩ Cáp Tề từ sau đi lại, bất thình lình có gần hai chục người
cầm gậy gỗ nhảy tới vây Nỗ vào giữa, hè nhau tấn công kịch liệt. Nỗ
không chút sợ hãi, bình tĩnh múa song quyền đỡ gạt. Hai bên đối chiến đã vài ba khắc mà đám người kia chẳng một ai đánh trúng Nỗ được lấy một
đòn, thậm chí mong lại gần mà cũng chẳng được nữa.
Giữa lúc đôi
bên đang ác đấu, một tiếng quát tuy lớn nhưng êm ngọt vang lên, Nỗ quay
đầu nhìn lại thì thấy ông lão họ Đông đang đứng ngoài cổng trang, miệng
cười tươi tắn, bên cạnh có một cô gái tuổi ước độ mười bảy, mười tám, má bôi phấn, môi tô son, bọn tóc mây búi cao lên mãi chóp đầu. Nàng vừa
nói xong tiếng "tuyệt quá" để ca tụng võ của Nỗ, vừa nhìn thẳng vào mặt
chàng, nhoẻn một nụ cười duyên dáng có một sức mạnh ghê gớm đến nỗi anh
hùng vô địch như Nỗ mà bỗng nhiên cứng đờ người tay chân nhấc không nổi.
Trước thái độ kỳ cục đó của chàng, mọi người khoái chí cười ồ. Chàng vẫn như
ngây như dại, mặc cho ai muốn nói gì thì nói. Bọn gia nhân chẳng muốn
làm phiền chàng nên tản mát dần đi. Nỗ Nhĩ Cáp Tề ngồi xuống dưới bóng
cây, ngồi cho đến khi mặt trời gác núi vẫn không rời chỗ.
Mãi tới giờ ăn cơm tối, ông lão họ Đông không thấy Nỗ đâu bèn đi kiếm. Chàng
lúc đó mới đứng dậy, thẫn thờ bước theo ông về nhà. Suốt dọc đường, gặp
chàng ai cũng hỏi, nhưng chàng nào có đáp.
Ông lão họ Đông lúc
đầu không hiểu tâm trạng chàng, nhưng về sau cũng đã đoán được phần nào. Lúc đó, ông không khỏi để ý đến con người của Nỗ. Ông chỉ biết Nỗ là
một tay tài ba lỗi lạc, chứ thực ông chẳng biết lai lịch của Nỗ, vì
chàng cố ý che giấu gia thế của mình ngay từ đầu.
Họ Đông là một
họ lớn miền Phủ Thuận. Nói là lớn, nhưng thực ra số người trong nhà
chẳng đông gì lắm. Ông lão họ Đông có ba cô con gái, và một cậu con
trai. Ba con gái đều đã lấy chồng. Cô gái cả năm đó đã ngũ tuần. Cô gái
út ngoài ba chục.
Cậu con trai đã mất năm ba mươi sáu tuổi. Nàng
dâu ở goá nuôi con. Đứa con của nàng dâu này chinh là cô gái mười bảy,
mười tám cái xuân xanh mà ông lão họ Đông rất cưng chiều, tính tình nóng nảy, bộc trực. Nhưng con người nàng thì lại là cả một tác phẩm thiên
nhiên tuyệt hảo. Nàng cũng mặt hoa da phấn, con mắt cũng đa tình, cái
miệng cười nào có thua gì hoa nở. Ông lão họ Đông lúc còn nhỏ có học
chút ít chữ Hán. Bởi vậy, những lúc rảnh, ông dạy cho cháu đọc sách viết chữ. Tên nàng là Xuân Tú. Cái tên xinh đẹp ấy là tên chữ Hán. Toàn gia
lớn bé ai cũng gọi nàng là Tú cô nương. Năm mười sáu tuổi, Tú cô nương
đã trở thành một trang giai nhân tuyệt sắc, tinh thông chữ nghĩa, cách
ăn ở lại rất đàng hoàng. Bởi thế Đông lão ông bèn đem giao cho nàng tất
cả mọi việc tiền nong chi tiêu trong nhà: cơm nước ăn uống, quần áo vật
dụng… Công việc trông coi đồng áng, nàng cũng được Đông lão giao nốt
cho. Tóm lại chính nàng là người quản gia số một, có quyền thu quyền
phát, chìa khoá trong tay không việc gì là không do nàng quyết định. Ông lão Đông đã từ lâu có ý kiếm cho nàng một tấm chồng xứng đáng. Nhưng
nàng vốn tính thẳng thắn, hào sảng. Bởi vậy khách đồng sàng đâu có dễ
tìm ở địa phương nây. Sáu bảy chục gia nhân ở gần nàng cảm thấy điều đó, nên kẻ nào kẻ nấy tỏ vẻ sợ hãi và kính trọng đối với nàng, không dám
bờm xơm trêu chọc.
Nói đến việc chung thân thì Tú cô nương đã có
chủ ý. Nàng chỉ muốn lấy một trang thanh niên anh hùng xuất chúng. Mộng
của nàng thì đẹp như thế nhưng khốn nỗi nàng lại ở vào một nơi đèo heo
hút gió, khỉ ho cò gáy như vùng quan ngoại này thì biết tìm đâu cho ra ý trung nhân mà nàng thường gặp trong mộng tưởng? Đấy chính là nỗi khổ
tâm của Tú cô nương mỗi khi nằm vắt tay lên trán, thao thức giữa đêm
trường canh vắng, trong lứa tuổi trăng tròn.
Đã có gái thuyền
quyên ắt phải có trai anh hùng. Ông trời quả khéo xui khiến Nỗ Nhĩ Cáp
Tề từ Kiến Châu tới miền Phủ Thuận. Từ cái hôm đáng ghi nhớ ấy, trong
lòng chàng có nàng, trong lòng nàng cũng có chàng, và ngay cả chủ ý của
Đông lão ông cũng có khác. Ông không có con và cháu trai để nối dõi, bởi vậy không không muốn có kẻ thừa kế nào khác để hưởng cơ nghiệp của ông. Ông chỉ muốn Tú cô nương lấy được một anh chàng chịu ở rể tại nhà, đảm
nhiệm cái việc hương khói trọng đại đối với tổ tiên ông. Thực tế các cậu trai, con những gia đình khác đều có cha mẹ có bà con họ hàng, đời nào
lấy vợ họ lại chịu ở rể để lo việc cúng kiếng đèn nhang cho gia tộc đằng vợ? Cho nên khi thấy Nỗ Nhĩ Cáp Tề, côi cút, một mình lưu lạc tha
phương mà lại có tài có đức, bảo sao ông không kén chọn chàng làm rể cho cháu gái. Tuy nhiên, ông chưa được rõ lòng cháu gái ông. Nghĩ rằng nên
lợi dụng lúc này cho đôi trẻ gặp nhau để xem tình ý chúng ra sao.
Chủ ý đã định, Đông lão ông bèn đưa Nỗ Nhĩ Cáp Tề vào nhà trong tương kiến với vợ ông và cháu gái.
Rồi từ đó, ông luôn luôn lưu ý tới hành động và thái độ của hai người. Ông
thường thấy Tú cô nương tìm đến phòng Nỗ Nhĩ Cáp Tề để trò chuyện. Ông
đã đoán ra tâm trạng của đôi trẻ đến tám chín phần rồi. Một điều khác
thường khiến mọi người phải chú ý, đó là khi Nỗ Nhĩ Cáp Tề chưa quen
biết Tú cô nương thì chàng thường tìm đến bọn gia nhân trò chuyện, nhưng sau khi đã quen biết nàng thì đố ai mà tìm ra bóng chàng.
Thời
gian thấm thoát thoi đưa, chẳng mấy chốc lại đã xuân qua, hè tới, song
cảnh sắc mùa xuân nơi quan ngoại đến với dân Mãn hơi trễ. Bởi vậy, trời
sang tháng tư mà muôn hồng ngàn tía mới đua tươi, oanh ca én hót mới
tưng bừng náo nhiệt. Đằng sau nhà ông lão họ Đông có một vườn đào vẫn
đang mùa hoa nở.
Một hôm Ngưu Ma Vương vô tình đi qua vườn đào,
bỗng nghe tiếng cười nói nhí nhảnh bên trong. Hắn định thần nhìn kỹ thì
chẳng phải ai xa lại mà chính là Nỗ Nhĩ Cáp Tề đang cùng với Tú cô nương vui đùa, trò chuyện. Hắn thấy Tú cô nương tay cầm sào dài. Nàng muốn di chuyển cây sào nhưng không nhúc nhích được. Nàng ném cây sào xuống đất, rồi vừa cười vừa thở. Nỗ Nhĩ Cáp Tề lại bước tới đưa hai tay ra đỡ hai
bên hông cho nàng đứng vững. Hai người lúc đó đối mặt nhau, tay cầm tay, cùng cười lên như nắc nẻ. Ngưu thấy tận mắt cảnh đó, lẩm bẩm một mình:
"Hỏng bét!" rồi chạy đi mách ông lão Đông. Khi hắn dẫn ông lão quay lại, chỉ cho ông thấy thì bất giác ông lão cười khà khà một tràng dài. Thì
ra lúc đó, Nỗ Nhĩ đang cùng Tú cô nương tựa vai nhau ngồi bên gốc hoa
đào, tay nắm tay, vừa cười vừa nói, chuyện trò hết sức thân mật. Theo ý
nghĩ của Ngưu, một khi ông lão họ Đông thấy cái cảnh tư tình của Nỗ Nhĩ
và Tú cô nương ắt thế nào cũng nổi trận lôi đình mà Nỗ Nhĩ phải lãnh đủ. Ngưu không ngờ rằng Đông lão ông đã không tức giận mà trái lại, còn khà khà cười lớn; cười đến nỗi râu tóc dựng ngược cả lên, mắt như sắp rách
ra, đôi chân cơ hồ không muốn đứng thẳng nữa. Thật là một điều ngoài sức tưởng tượng của Ngưu. Ngưu biết mình "hớ" rồi, vội quay mình chuồn một
mạch mất dạng.
Đông lão ông lúc đó mới thong thả bước vào vườn
đào. Nỗ Nhĩ và Tú cô nương thấy Đông lão ông, đều giật mình hoảng sợ,
chỉ còn biết cúi đầu như để nhận tội lỗi, cặp má ửng hồng vì e thẹn, đôi vai trĩu xuống như phải gánh đến ngàn cân. Đông lão ông bước gần lại,
khi đã đứng giữa hai người, ông liền giơ hai tay, mỗi tay đặt lên vai
một người, miệng vừa cười vừa hỏi:
- Hai đứa đã bàn tính xong việc của chúng mày rồi ư?
Nỗ Nhĩ cũng như Tú cô nương cả hai đều lắc đầu lia lịa để đáp lời Đông lão ông. Giơ hai bàn tay xoè to ra như hai cái nan quạt, Đông lão vỗ một
cái mạnh xuống vai cả hai rồi cười khà khà. Vừa dứt tiếng cười, ông lên
tiếng bảo:
- Trẻ nít ngớ ngẩn có khác! Tụi chúng mày không nói mau đi, còn làm bộ ngây thơ để qua mắt ông nội chúng mày nữa sao?
Câu nói hình như đánh trúng tâm lý của cô cậu thì phải, bởi vậy Nỗ Nhĩ cũng như Tú cô nương không ai hẹn ai, bất giác phì cười nhưng để tự tố cáo
và khẩn cầu ông nội tác thành cho. Đông lão ông lại nói:
- Tụi mày mắc cỡ phải không? Mau theo ông nội ra đây.
Nói xong, Đông lão ông chẳng cần để cho hai người chịu hay không, liền kéo
tay họ vào nhà trong rồi bất chấp hai người mắc cỡ hay không, ông kể rõ
đầu đuôi cho mẹ và bà nội Tú cô nương nghe. Ông kể hết rồi còn bắt buộc
mẹ nàng phải hoàn tất việc chung thân cho con gái. Nhưng mẹ nàng có ý
không chịu gả. Vì bà không muốn đem hạt minh châu trong tay trao cho một anh chàng lãng tử lưu lạc giang hồ như Nỗ Nhĩ. Đông lão ông biết ý, lên tiếng bảo:
- Nếu con bằng lòng cho chúng nó đẹp đôi thì ông nội
sẽ đem toàn phần gia tài này giao lại cho thằng cháu rể, khiến nó phải ở rể trong nhà này để phụng dưỡng bọn già chúng ta cho tới lúc quy tiên.
Đấy, ý của ông nội là thế, con hãy yên tâm mà bằng lòng đi!
Nàng
dâu thấy bố chồng nói những lời lẽ khẩn thiết đến vậy nên đành phải bằng lòng. Thấy cả nhà không còn ai phản đối nữa, Đông lão ông bèn lên chợ
tìm một thầy bói nhờ chọn ngày lành tháng tốt để cưới gả cho hai cháu…
Hôm đó nhà ông lão họ Đông thiết lập bàn thờ tế trời đất, tế ông Tơ bà
Nguyệt. Bên bàn thờ khói hương nghi ngút, cô dâu chú rể cung kính quỳ
lạy. Quang cảnh thật vô cùng trang nghiêm…
Khách mời xa gần đều đến đủ. Khách đông quá, ước chừng có tới năm bảy trăm người, ngồi chật, cả trong nhà ngoài sân.
Hàng dãy chiếu cói được trải ra khắp mặt đất. Thực khách ngồi xếp bằng trên
chiếu, cứ bốn người một mâm, tay đũa tay chén, hết hũ rượu này đến đĩa
thịt kia, tha hồ ăn uống, mặc sức nói cười. Khung cảnh tưng bừng nhộn
nhịp của gia đình Đông lão ông quả hiếm đối với một nơi sơn cùng thuỷ
tận như miền quan ngoại này. Ngày vui hôm đó đã trở thành một ngày kỷ
niệm đáng nhớ nhất trong đời của đôi trai tài gái sắc Nỗ Nhĩ, Tú cô
nương. Về sau họ còn nhớ mãi lúc họ quỳ cạnh nhau, vai kề vai, lễ tế cáo trời đất, lễ kính ông Tơ bà Nguyệt.
Sau hôn lễ, hai vợ chồng Nỗ
Nhĩ Cáp Tề đem hết tâm lực giúp Đông lão ông trông nom việc nhà. Những
lúc rảnh, Nỗ dạy cho vợ ít miếng võ. Ngược lại, Tú cô nương cũng dạy cho chồng chút chữ Hán. Nhiều khi nàng còn giảng cho chồng nghe nhiều
chuyện vừa thú vị vừa có ý nghĩa trong Tam Quốc hay Thuỷ Hử. Càng nghe,
Nỗ càng khoái, khoái bao nhiêu, Nỗ càng cố học, cố viết bấy nhiêu. Do
đó, sự học của Nỗ khá lên trông thấy. Lúc đó Đông lão ông đã quá cố.
Nhất nhất mọi việc trong gia đình, Nỗ đều trông coi, định liệu hết. Nỗ
vung vãi tiên bạc thu nạp những tay hảo hán. Nhiều thiếu niên nghe nói
Nỗ võ nghệ cao cường, bèn kéo nhau tới bái Nỗ làm sư phụ, tiếng tăm Nỗ
càng ngày càng lớn, vang dậy cả vùng Phủ Thuận.
Từ khi ở rể trong gia đình Đông lão ông, Nỗ cải theo họ Đông, mọi người đều gọi Nỗ là Đông Nỗ Nhĩ Cáp Xích.
Trang viên của Nỗ hồi đó chẳng khác gì một Tiểu Lương Sơn Bạc, tụ tập toàn
những tay anh hùng hảo hán, dũng cảm hơn người. Dân chúng ở chợ Phủ
Thuận đều gọi Nỗ là Đông đại gia chứ có ai ngờ Nỗ là con trai lớn của
quan đô đốc Kiến Châu vệ.
Nỗ sống một cuộc đời bình dị của người
thường dân, nhưng thực ra đó chỉ là lối sống giả bộ để che mắt thế gian. Nỗ cho mình vốn là con trai cả quan đô đốc Kiến Châu vệ thì một ngày
kia cái ghế đô đốc ắt phải vào tay mình. Nỗ không bữa nào là không nghĩ
đến cái ghế ấy, rồi nhớ tới gia đình, tới cha mẹ, bà con thân thuộc. Nỗ
kết giao với những tay anh hùng hảo hán bất quá chỉ vì ý đồ nối nghiệp
cha mình trong tương lai, và cầu mong thực hiện được cái mộng lớn tạo
một sự nghiệp vĩ đại nơi quan ngoại. Do đó, Nỗ thường ra chợ Phủ Thuận
để nghe ngóng tinh hình chốn công môn.
Phủ Thuận lúc đó có các
nha, sở của quan tổng binh nhà Minh trấn đóng. Nỗ tìm cách giao hảo với
bọn quan binh tại đây Bởi vậy, với bất cứ một tin tức nào, Nỗ đều có thể nghe được một cách rõ ràng rành mạch.
Hồi đó, cách Phủ Thuận
chừng ba mươi dặm có một cái chợ ngựa, cứ hai tháng họp một lần. Chợ
ngựa chia làm hai khu: chợ công và chợ tư. Chợ công tức là chợ các bối
lặc, cái đô đốc của các bộ lạc phái người đến đó để tiến cống Minh
triều, đồng thời đem một số lừa ngựa đến bán cho bọn quan lại Trung
Quốc. Còn chợ tư là chợ dân Mãn, dân Hán giao dịch buôn bán với nhau;
người Mãn thì bán ngựa, trâu, da thú hoặc trái tùng, nhân sâm cho người
Hán trong khi người Hán lại bán vải vóc tơ lụa, nồi niêu xoong chảo, và
những nông cụ cho người Mãn. Đôi bên giao thương sòng phẳng đàng hoàng
nên luôn luôn giữ được hoà khí. Cứ đến ngày hội chợ, Nỗ ăn mặc kiểu lái
buôn, đem ít đồ lặt vặt để bán cho có lệ. Chuyện đô đốc Kiến Châu vệ
phái Vương Cảo đến tiến cống, Cảo hỗn láo, ỷ thế làm càn rồi khởi loạn,
cuối cùng bị Vương Thái bắt được đem dâng Minh triều và bị chém đầu như
thế nào, Nỗ đều được thông tin đầy đủ. Đến Thái, Thái nhờ có công bắt
Cảo nên được nhà Minh giúp, rồi thế càng mạnh hơn, đến nỗi dân Ninh Cổ
Tháp cũng phải bị thua như thế nào, Nỗ cũng biết rõ hết.
Nỗ tuy
nói rằng đã bị cha từ bỏ, đuổi ra khỏi nước nhưng thực ra việc nước, lúc nào Nỗ cũng quan tâm tới. Bởi thế cho nên khi dò la được tin khẩn cấp,
Nỗ liền chạy suốt đêm ngày về Kiến Châu vệ để báo tin cho cha biết.
Trước khi ra đi, Nỗ sợ vợ mình không chịu nên đợi mãi tới đêm khuya, khi hai
vợ chồng đã lên giường nằm cả, Nỗ mới đem cái lý lịch của mình cũng như
cái tin vừa lượm được, nói cho vợ nghe một lượt. Nàng Xuân Tú biết chồng mình là con trai cả của quan đô đốc Kiến Châu vệ, càng lấy làm yêu quý
hơn. Nhưng khi nghe chồng nói chuyện xa lìa vợ con về Kiến Châu thì nàng lại buồn ngay. Nỗ phải khuyên dỗ năm lần bảy lượt, cuối cùng cũng phải
hứa hẹn rằng khi về tới Kiến Châu hoàn tất được việc lớn, Nỗ sẽ lập tức
quay về đón vợ con cùng hưởng phú quý vinh hoa. Nàng Xuân Tú thấy đó là
đại sự nên rốt cuộc cũng phải để cho chồng đi.
Rồi một buổi sáng
tinh sương, hai vợ chồng cầm tay nhau từ biệt, nước mắt chạy quanh. Lúc
đi dọc đường, sợ có người hỏi lôi thôi lộ hình tích, Nỗ bèn mặc tấm áo
rách, lại lấy than và bùn đất bôi lên mặt, lên mình mẩy, tay chân cho có dáng một tên ăn mày ăn nhặt tầm thường.
Nỗ đã đi mấy ngày đêm,
trải bao nhiêu là gian khổ mới tới Kiến Châu thành. Nỗ vẫn còn sợ cha
nên không dám vào, đành đợi ngoài phủ bộ, trong một nơi kín đáo. Lúc đó
các bối lặc các nơi đã tề tựu đông đủ trong phủ, trước là để thỉnh an
Giác Xương An, sau là để bàn tính cách đối phó với Vương Thái.
May cho Nỗ là đám thị vệ canh gác phủ đều có thiện cảm với Nỗ cho nên Nỗ mới được một chỗ nấp rất tốt trong phủ.
Lúc lên mười, Nỗ đã mất mẹ. Từ đó, Nỗ bị người dì ghẻ là Nạp Thích hành hú
đày ải. Trong tình cảnh đau khổ đó, nhờ có bác là phúc tấn Lễ Đông
thương, thường che chở và trông nom giúp đỡ, hôm đó, Nỗ bỗng xuất hiện
trong phủ, nhớ tới phúc tấn Lễ Đôn, Nỗ liền len lén tới thăm. Bà Lễ Đôn
thấy cháu trở về, mừng rỡ khôn xiết, nhưng khi nhìn đến quần áo rách
nát, thân hình dơ dáy của cháu, thì bà lại giật mình. Nỗ đành nói thật
với bác về chuyện cái trang để che mắt thiên hạ. Tuy nhiên, chàng vẫn
chưa dám cởi bỏ bộ quần áo rách rưới kia, giữa lúc hai người đang trò
chuyện, ông bác Lễ Đôn bước vào phòng. Nỗ chào hỏi bác xong rồi đem tin
tức mình lượm được nói cho bác nghe. Ông Lễ Đôn kinh sợ, một lúc lâu mà
mắt ông vẫn còn trợn lên.
Tin gì mà làm ông Lễ Đôn kinh sợ đến thế? Thì ra ông mới vừa được cháu cho biết kế sách của Vương Thái: "Minh tu san đạo, ám độ Trần Thương" 1. Với kế sách này, Thái kéo binh đánh chiếm thành Ninh Cổ Tháp để hư
trương thanh thế, trong khi đó Thái sai Đồ Luân thành chủ là Ni Kham
hiệp lực với Ninh Viễn Bá Lý Thanh Lương nhà Minh tấn công thành Cổ
Liệt. Chủ tướng thành Cổ Liệt là Chương Kinh A Thái, là con rể của ông
Lễ Đôn Ba Đồ Lỗ, cũng là cháu rể của nguyên đô đốc Kiến Châu vệ Giác
Xương An, lại còn là con trai của Vương Cảo. Cảo bị Thái bắt rồi bị Ninh Bá Viễn giết, bởi vậy Vương Thái và Lương sự A Thái báo thù rửa hận cho cha, bèn tính kế chém cỏ nhổ gốc, diệt cho kỳ được Cổ Liệt thành.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT