Lại nói, Quan lão chiều ý Giang Hoài Ngọc đành phải ra tay cứu
tỉnh tên gian nhân thọ thương nhẹ nhất để chàng hỏi rõ tự sự. Lão thúc chân khí
truyền vào người hắn để hắn mau hồi tỉnh.
Lát sau, hắn ta khẽ thở phào một tiếng, từ từ mở mắt nhìn
lên, chợt thấy Quan lão hầm hầm sát khí, mắt nhìn hắn sáng rực ánh hàn quang
thì thất kinh. Nhưng Giang Hoài Ngọc đã hòa nhã hỏi :
- Chuyện này là sao ? Tại sao túc hạ lại ám toán chúng ta ?
Hắn ta cười nhạt nói :
- Chúng ta đã lọt vào tay các ngươi, muốn giết muốn mổ thì cứ
việc, đừng hỏi lôi thôi vô ích.
Giang Hoài Ngọc bản tính hiền hòa, không muốn nhìn thấy cảnh
máu đổ thây phơi, nên vẫn cố hỏi :
- Có chuyện gì túc hạ cứ nói. Nếu như nguyên nhân hợp lý, tiểu
sinh sẽ xin với Quan tiên sinh buông tha cho túc hạ và mọi người.
Tên kia giật mình sửng sốt, nhìn Quan lão hỏi :
- Lão tiền bối đây là họ Quan ư ?
Quan lão hừ lạnh :
- Nói nhảm. Lão phu không họ Quan thì họ gì ?
Tên kia ấp úng nói :
- Vậy mà Đào đại hiệp lại bảo rằng lão tiền bối chính là Hỗn
Thế Ma Vương, cường đạo ở Mã Đầu Sơn, là … là kẻ thù của bọn vãn bối. Do vậy mà
… bọn vãn bối mới … mới …
Quan lão tức giận hỏi :
- Tên họ Đào nào thế ? Có phải là tên Đào Vĩnh Thọ không ?
Tên kia khẽ gật đầu. Quan lão cười nhạt :
- Cũng lại là hắn.
Nghĩ đến tên Đào Vĩnh Thọ, nghĩ đến những phiền phức mà gã
ta đã mang đến cho bọn lão, Quan lão tức thì giận sôi lên, mặt hầm hầm sát khí,
trông thật đáng sợ. Thế mới biết người võ lâm xem lão là một đại sát tinh cũng
chẳng ngoa.
Giang Hoài Ngọc nói :
- Quan tiên sinh đây là Sinh Tử Phán đại hiệp, chứ không phải
là cường đạo đâu. Túc hạ đã bị lừa gạt rồi đấy.
Tên kia vừa nghe nói đến ba chữ “Sinh Tử Phán” không những
không kinh hãi mà lại có vẻ mừng rỡ, phục lạy gọi :
- Lão tổ tông. Xin lão tổ tông hãy …
Quan lão hừ lạnh gạt ngang :
- Câm ngay. Cái gì mà “lão tổ tông”. Lão phu không có bọn
con cháu ngu ngốc, đui mù như lũ các ngươi.
Tên kia cúi mặt nói :
- Lão tiền bối. Xưa nay lão tiền bối vẫn luôn trừng trị bọn
tà ma, giải quyết những bất công. Cảnh ngộ của bọn vãn bối thật thê thảm. Cúi
xin lão tiền bối hãy lấy lại công bằng cho bọn vãn bối.
Quan lão ngớ người. Giọng điệu này, suốt mấy chục năm nay
lão nghe thấy đây là lần đầu tiên. Lão ngạc nhiên hỏi :
- Ngươi nói gì thế ?
Tên kia cung kính nói :
- Bảy huynh đệ bọn vãn bối đây ở họ Quan, đối với lão tiền bối
đều là hàng con cháu …
Quan lão sốt ruột nói :
- Dẹp chuyện con cháu đó lại. Thật ra là chuyện gì ? Mau nói
đi.
Tên kia liền vội “vâng dạ”, kể lể :
- Tiên phụ là Quan Phi Thành, chỉ là một người buôn bán nhỏ,
chuyên nhận thu mua các thứ hàng hóa để cung cấp cho các hiệu buôn trong trấn
thành. Không hiểu sao, hồi tháng trước, tiên phụ ra ngoài buôn bán như lệ thường
thì bỗng nhiên giữa đường bị giết. Tiên phụ là tục gia đệ tử của phái Võ Đang,
võ công cũng không phải kém, trong khi hàng hóa chẳng đáng giá bao nhiêu. Huynh
đệ bọn vãn bối bảy người đều nghi ngờ rằng tiên phụ đã gặp kẻ thù chứ chẳng phải
là bọn thảo khấu tầm thường, nên quyết phải trả thù. Chỉ vì cái chết của tiên
phụ không ai chứng kiến, cũng không có một chút manh mối nào nên bọn vãn bối
cũng không biết phải điều tra từ đâu. Vừa hay gặp được Đào … Đào Vĩnh Thọ. Y
cho biết là có biết chuyện ấy, và còn bảo rằng đã tìm ra lai lịch kẻ thù của bọn
vãn bối, bảo bọn vãn bối chờ ở đây. Nào ngờ … nào ngờ bọn vãn bối đã bị y lừa gạt,
lỡ lầm xúc phạm đến lão tiền bối.
- Chuyện này liên quan gì đến lão phu. Hơn nữa, chính ngươi
cũng mới nói chẳng có chứng cứ gì cả, làm sao mà trả thù.
Hắn ta nói :
- Lão tiền bối thần thông quảng đại, xin hãy giúp bọn vãn bối
tìm ra hung thủ, bọn vãn bối vạn đội thâm ân.
Quan lão bực bội, phất tay nói :
- Thôi đi. Các ngươi dám cả gan ám toán lão phu. Lão phu
nghĩ tình mà tha thứ cho các ngươi một lần. Mau cút đi.
Ghê gớm thay công lực của Quan lão, chỉ một cái phất nhẹ tay
mà tên họ Quan kia đã bị hất bắn ra, ngã chồng lên đám huynh đệ của hắn. Nghĩ lại
Quan lão bực bội cũng không phải vô lý. Bởi trước nay lão giết người thì có chứ
chẳng bao giờ lại đi làm cái chuyện điều tra hung phạm, đòi lại công bằng cho kẻ
khác. Đáng cười nhất là tên kia lại gọi lão là “lão tổ tông”. Thiên hạ có biết
bao nhiêu người họ Quan, đâu riêng gì lão, trong khi lão chẳng hề có con cháu.
Giang Hoài Ngọc thấy tình cảnh của hắn ta thật tội nghiệp,
liền chạy đến đỡ hắn dậy, tìm lời an ủi :
- Muốn điều tra hung phạm vẫn còn nhiều cách khác mà. Sao
túc hạ không chịu đi báo quan ?
Hắn ta ngơ ngác nói :
- Chuyện ân oán giang hồ, quan tư làm gì được chứ ?
Giang Hoài Ngọc hỏi :
- Sao lại không được ? Đây là án sát nhân cơ mà.
Bách Lý Hạc đỡ lời :
- Công tử không biết đấy thôi. Những ân oán trong giang hồ
xưa nay không được nhờ quan tư can thiệp. Đây đã là lệ bất thành văn.
Giang Hoài Ngọc nói :
- Thật vô lý. Thật là vô lý hết sức. Án sát nhân mà không được
đi báo quan. Thế thì còn gì là vương pháp nữa chứ.
Bách Lý Hạc thấy chàng đã hiểu lầm, liền giải thích :
- Không phải vậy đâu. Cốt yếu là dù cho có đi báo quan thì
cũng đâu làm gì được. Quan tư đâu can thiệp được vào chuyện giang hồ.
Giang Hoài Ngọc nói :
- Nếu thế thì khi người giang hồ không giải quyết được thì vẫn
có thể đi báo quan phải không ?
Bách Lý Hạc không biết nói sao, đành phải gật đầu. Giang
Hoài Ngọc trầm ngâm nghĩ ngợi giây lát, rồi lại nói :
- Nếu như không tiện báo quan thì có thể giao việc này cho
Thái Chính Cung giải quyết, như thế có được không ?
Trong lúc bọn Quan lão hãy còn đang sửng sốt thì tên họ Quan
kia giật mình kinh hãi, lắp bắp nói :
- Thái Chính Cung ư ? Nếu được thế thì còn gì bằng.
Bọn họ cũng thừa biết Thái Chính Cung là thế nào rồi. Hễ
Thái Chính Cung mà làm việc gì là chưa hề gặp thất bại. Trong lúc hắn ta đang
vui mừng đến ngẩn ngơ, Giang Hoài Ngọc lại hỏi :
- Vùng này thuộc địa phận của Lưu Hương Viện. Chắc túc hạ có
biết hội sở của Lưu Hương Viện chứ ?
Hắn ta gật đầu lia lịa, đáp :
- Biết. Biết ạ.
Giang Hoài Ngọc lại quay sang Bách Lý Hạc hỏi :
- Việc này có lẽ phải nhờ đến tiên sinh. Tiên sinh có chịu
phiền đi giúp tiểu sinh một chuyến được không ?
Bách Lý Hạc ngạc nhiên đáp :
- Chuyện gì thế ? Công tử cứ nói.
Giang Hoài Ngọc lấy lá lệnh kỳ ra, trao cho lão, nói :
- Để vị túc hạ này đi một mình tiểu sinh thấy chẳng yên tâm
chút nào. Phiền tiên sinh đi cùng y đến hội sở của Lưu Hương Viện. Vụ việc này
hy vọng Công Tôn viện chủ có thể giải quyết được ổn thỏa.
Bách Lý Hạc gật đầu nói :
- Được thôi. Việc này chỉ tốn công một chút. Không hề gì.
Giang Hoài Ngọc quay sang gã họ Quan, nói :
- Túc hạ cứ yên tâm đi cùng Bách Lý tiên sinh. Còn các huynh
đệ ở đây chúng ta sẽ lo liệu cho.
Hắn ta vâng dạ, trong lòng nôn nóng định lên đường ngay,
nhưng Quan lão đã gọi lại, nói :
- Muốn làm gì thì làm, nhưng cần phải đưa bọn huynh đệ của
ngươi đến Uông gia trang trước đã.
Hắn ta vâng dạ, cùng Quan lão, Uông lão, Bách Lý Hạc vừa
khiêng, vừa xách sáu người bị thương đang nằm kia về Uông gia trang. Còn Giang
Hoài Ngọc vì không hiểu võ công nên mọi người không để cho chàng phải hao tổn sức
lực. Vậy mà, tuy chàng đi không mà vẫn không theo kịp bốn người bọn họ.
Về đến Uông gia trang, trong khi Uông lão quát bảo gia đinh
lo liệu chăm sóc những người bị thương thì Bách Lý Hạc đã cùng gã kia lên đường
ngay. Hội sở của Lưu Hương Viện đặt tại thành Lư Giang. Với cước trình của hai
người họ, dù có đi nhanh lắm thì cũng phải mất cả một ngày.
Trong thời gian ấy Giang Hoài Ngọc ở lại Uông gia trang chờ
đợi tin tức. Và vì chuyện này mà thời gian còn lại của chàng lại mất thêm mấy
ngày nữa. Bọn Quan lão rất lấy làm ái ngại cho chàng.
Ngay chiều hôm sau, Bách Lý Hạc với gã họ Quan kia đã về đến
nơi, đi cùng hai người họ còn có viện chủ Lưu Hương Viện Công Tôn Long cùng với
vài thủ hạ thân tín. Công Tôn Long giờ đây đã là Hộ Cung Đô Vệ Sứ, địa vị trong
cung chỉ đứng dưới Ngũ đại Tổng quản, nên khí sắc tươi nhuận, tư thái bệ vệ,
trông rất có phong độ của bậc tôn chủ, lãnh đạo quần hùng.
Nhưng lão nghiêm trang bệ vệ là với ai khác chứ đối với
Giang Hoài Ngọc thì giữ thái độ rất là kính cẩn. Lão thừa biết chàng rất được
Nghi vương ưu ái nên mới đích thân đến đây bái kiến chàng.
Sau khi đã hành lễ bái kiến xong, lão kính cẩn trao trả lại
cho chàng lá kỳ lệnh, đoạn chắp tay nói :
- Trình công tử. Vừa được lệnh của công tử, lão phu đã cho
tiến hành điều tra vụ việc ngay, chắc là sẽ sớm có tin hồi báo. Xin công tử cứ
yên tâm.
Giang Hoài Ngọc tỏ vẻ hài lòng, nói :
- Viện chủ cho tiến hành điều tra là được rồi, đâu cần phải
đích thân viện chủ đến đây làm gì cho mất thời gian.
Công Tôn Long kính cẩn nói :
- Lão phu đến đây trước là để bái kiến công tử, sau nữa là
có việc cần trình bẩm. Lão phu mất chút thời gian nào có đáng gì, chỉ lo là lo
cho công tử thôi ạ.
Giang Hoài Ngọc ngơ ngác hỏi :
- Ý tiên sinh là …
Công Tôn Long nói :
- Thời gian còn lại của công tử không còn nhiều, cần nên
tranh thủ thời gian mới phải. Xin công tử hãy cứ yên tâm lên đường. Vụ việc này
giao lại cho lão phu xử lý là được rồi. Lão phu hứa sẽ tận tâm tận lực điều tra
nội vụ, xử lý chu toàn, quyết không phụ sự ủy thác của công tử.
Giang Hoài Ngọc ngần ngừ nói :
- Lên đường lúc này, ta thấy không yên lòng chút nào.
Công Tôn Long trầm tư, nói :
- Lão phu hiểu ý công tử, nhưng …
Giang Hoài Ngọc đỡ lời :
- Viện chủ không nên quá lo lắng như thế. Bất quá chỉ mất
thêm vài ngày nữa chắc cũng không hề gì đâu.
Công Tôn Long cau mày nói :
- Vụ việc này khá là phức tạp, đã chẳng có nhân chứng mà
cũng chẳng có chút manh mối nào, thời gian điều tra e sẽ kéo dài khá lâu.
Giang Hoài Ngọc ngẫm nghĩ giây lâu, đoạn hỏi :
- Việc trị an ở vùng này xưa nay tốt lắm phải không ?
Công Tôn Long có vẻ không hiểu, nhưng vẫn đáp :
- Vùng này nằm dưới quyền quản trị của Ninh quốc công, việc
trị an xưa nay vẫn rất tốt.
Giang Hoài Ngọc nói :
- Giờ thế này. Viện chủ hãy mang kỳ lệnh của biểu ca đến
soái phủ yết kiến Ninh quốc công, nhờ quốc công tra xét giúp. Cứ thử điều tra
những tên hung phạm bị quan quân bắt giữ trong khoảng thời gian án mạng xảy ra.
Nói không chừng sẽ tìm ra chút manh mối nào đó.
Công Tôn Long nói :
- Nếu công tử đã quyết định như vậy thì lão phu sẽ lên đường
ngay. Công tử cứ yên tâm mà đợi tin tức của lão phu.
Giang Hoài Ngọc lại trao kỳ lệnh cho lão. Trong lúc lão vừa
định đi thì Uông Triều bỗng lên tiếng :
- Công Tôn viện chủ. Tệ trang có một con thiên lý mã, viện
chủ cứ lấy mà dùng để tiết kiệm thời gian.
Công Tôn Long quay lại hỏi :
- Giống tốt đến mức nào ?
Trong khi Uông Triều còn đang ngẩn người, chưa kịp đáp lời
thì Bách Lý Hạc đã bật cười ha hả, nói :
- Uông lão ca. Tuấn mã của Công Tôn viện chủ là Đại Uyển
lương câu, trong trang của lão ca tuy cũng có vài con kha khá nhưng không có
con nào có thể sánh bằng tuấn mã của Công Tôn viện chủ đâu.
Công Tôn Long vừa nghe nói đến đó liền lập tức rảo bước ra cửa.
Lão vội đến mức hối hả đi ngay mà chẳng kịp chào từ biệt mọi người. Và Giang
Hoài Ngọc tiếp tục ở lại làm khách tại Uông gia trang, chờ tin tức.
Bảy huynh đệ họ Quan cũng ở đó, và đã được Quan lão cho phép
gọi là lão tổ tông. Phụ thân bọn họ đối với Quan lão còn thuộc hàng hậu bối nên
bọn họ gọi như vậy cũng chẳng có gì là quá đáng. Quan lão nhân lúc rỗi rảnh còn
truyền cho bọn họ vài tuyệt kỹ, khiến cả bọn hết sức vui mừng, hăng say tập luyện.
Thêm hai ngày nữa, Công Tôn Long đã trở lại cùng một vị tướng
quân vận kim khôi kim giáp, thắt lưng đeo bảo kiếm nạm ngọc, uy nghi đường bệ,
lẫm liệt oai phong. Vị tướng quân vái chào Giang Hoài Ngọc, nói :
- Tiểu tướng là Hoàng Thanh Thư, tổng trấn quân vụ An Khánh,
xin tham kiến công tử, cầu ngọc thể vạn an.
Tuy Giang Hoài Ngọc không có tước vị gì, nhưng chàng lại là
biểu đệ của Nghi vương, một vị đại vương uy quyền bậc nhất thiên hạ, trong khi
họ Hoàng chỉ là thứ tử của Ninh quốc công. Còn nếu xét về bối phận, Ninh quốc
công là đệ tử tục gia của Huyền Đô Quan chủ, mà Nghi vương lại gọi Huyền Đô
Quan chủ là sư bá. Do vậy, Hoàng Thanh Thư đối với Giang Hoài Ngọc cũng hết sức
kính cẩn.
Giang Hoài Ngọc hỏi :
- Có việc gì mà tướng quân lại đích thân đến đây thế ?
Hoàng Thanh Thư đáp :
- Trình công tử. Tiểu tướng đã áp giải mấy tên hung phạm đến
đây để cho công tử xử trí.
Giang Hoài Ngọc hỏi :
- Đã tra xét ra rồi ư ?
Hoàng Thanh Thư nói :
- Trình công tử. Chúng thần lĩnh mệnh trấn nhậm An Huy, phải
tận tâm tận lực hoàn thành trọng trách, đâu thể để cho bọn gian phi hoành hành
được. Bọn hung phạm sau khi gây án, ngay hôm sau đã bị quan quân bắt giữ. Nhưng
vì không có người đến báo án nên bấy lâu nay bọn chúng vẫn bị giam ở nhà lao
nha phủ. Khi Công Tôn viện chủ đến cho biết sự thể, tiểu tướng đã cho áp giải bọn
chúng đến đây, xin tùy công tử xử trí.
Giang Hoài Ngọc nói :
- Nạn nhân chính là bảy huynh đệ Quan gia, phụ thân của bọn
họ bị giết. Vậy tướng quân hãy cùng bọn họ bàn cách xử trí vụ này.
Hoàng Thanh Thư chắp tay vâng dạ. Công Tôn Long lên tiếng :
- Vụ việc thế là đã được giải quyết xong. Vậy là sáng mai
công tử có thể lên đường được rồi, phải không ạ ?
Giang Hoài Ngọc khẽ gật đầu. Công Tôn Long liền nói :
- Vậy để lão phu thu xếp mọi việc giúp công tử.
Tối hôm đó, trong lúc Giang Hoài Ngọc cùng bọn Quan lão uống
trà đàm đạo trước lúc chia tay, Bách Lý Hạc bỗng hỏi :
- Sáng mai công tử định lên đường một mình.
Giang Hoài Ngọc gật đầu đáp :
- Hoàng tướng quân, Công Tôn viện chủ đều có công vụ phải giải
quyết, đâu thể bảo bọn họ bỏ công việc để đi theo tiểu sinh được. Vả chăng, tiểu
sinh đi du ngoạn mà có bọn họ đi theo bảo vệ thì cũng không tiện chút nào. Thôi
thì tiểu sinh đành đi một mình vậy. Chắc cũng không sao đâu.
Bách Lý Hạc nói :
- Lão phu hiện đang rảnh rỗi. Vậy để lão phu cùng đồng hành
với công tử đi du sơn ngoạn thủy một chuyến cho vui.
Quan lão cũng nói :
- Bách Lý huynh đệ nói phải đó. Lão phu hiện cũng chẳng có
việc gì làm. Vậy nên cũng sẽ đi theo hai người cho vui.
Uông Triều hỏi :
- Hai người đi cả. Còn lão phu thì sao ?
Quan lão nói :
- Lão còn có nhà cửa ruộng vườn ở đó, chẳng lẽ bỏ mặc không
ngó tới.
Uông Triều nói :
- Chuyện đó không lo. Mọi sự đã có lão Tổng quản Uông Phúc
lo liệu hết cả. Lão phu cũng sẽ xuất hành một chuyến cùng mọi người, nhân tiện
đến Kim Lăng thăm tiểu nhi luôn thể.
Quan lão nhìn Giang Hoài Ngọc giải thích :
- Trưởng tử của lão Uông là Uông Hải, hiện đang làm Hộ bộ Tả
thị lang ở Kim Lăng. Còn thứ tử là Uông Hà đang làm Tri huyện Bình Giang ở Tô
Châu phủ.
Thế là việc đã được quyết định. Sáng sớm hôm sau, ba người họ
cùng Giang Hoài Ngọc lên đường.
Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT