Trong phòng lúc đó có người sống, có cả người chết, thế mà ông ta có vẻ không thèm để lọt mắt chỉ lạnh lùng hỏi :

- Ai là chủ nơi đây?

Lão Chủ Lớn liếc nhìn A Cát, lại nhìn Trúc Diệp Thanh rồi miễn cưỡng lên tiếng :

- Giờ coi bộ vẫn là tôi đây!

Người một tay xếch khóe mắt lên ngạo nghễ bảo :

- Có khách từ xa tới mà chỗ ngồi cũng không có, chủ nhà như thế chẳng hóa ra quá vô lễ hay sao?

Lão Chủ Lớn còn đang chần chừ thì Trúc Diệp Thanh đã cười vuốt đuôi bê một cái ghế bành tới :

- Quý khách tên gì vậy?

Người một tay không thèm để ý đến gã mà chỉ xòe bốn ngón tay ra.

Trúc Diệp Thanh lại cười giả lả như cũ :

- Chẳng lẽ quý khách còn ba vị bạn bè nữa ư?

Người một tay buông sõng :

- Ừ!

Trúc Diệp Thanh lại bê ba cái ghế tới, vừa xếp thành một hàng thì ở lưng chừng không đã có hai người tà tà đáp xuống.

Một người thân pháp nhẹ như lá rụng mà khuôn mặt cũng gầy guộc khô héo không có thịt, ở thắt lưng lại giắt một cành trúc khô, nhìn cả người cứ như một gốc tre khô. Tuy vậy áo quần của lão mặc lại rất hoa lệ, vào thái độ thì rất kiêu căng ngạo nghễ. Tất cả mọi người trong phòng - cả chết lẫn sống - trong con mắt lão ta đều như chết cả rồi.

Còn người kia lại là một người béo phục phịch miệng luôn cười toe toét, bàn tay trắng trẻo múp míp đeo ba cái nhẫn có giá trị “liên thành”, móng tay để vừa dài vừa nhọn coi bộ giống như bàn tay một mệnh phụ phu nhân nào vậy. Bàn tay như vậy dĩ nhiên không thích hợp với việc dùng kiếm, nhìn dáng người như vậy có vẻ không thích hợp với môn khinh công, nhưng vừa rồi lão ta phơi phới từ lưng chừng cao đáp xuống, coi bộ khinh công cũng không hề thua sút ông già gốc tre khô kia chút nào.

Vừa nhìn thấy ba người, Cừu Nhị mặt bỗng xám ngoét như tro tàn.

Ngoài cửa vẫn còn một người không ngớt khúc khắc ho khan, vừa chậm rãi bước vào. Té ra là một hòa thượng già, áo quần rách rưới, hông vẹo lưng gù, mặt đầy vẻ bệnh hoạn.

Thấy hòa thượng, mặt Cừu Nhị trông không còn ra vẻ mặt con người nữa. Lão cười thê thảm, bảo :

- Hay quá nhỉ! Không ngờ ông cũng tới!

Hòa thượng thở dài đáp :

- Ta không tới thì ai tới? Ta không vào địa ngục thì ai vào?

Giọng ông ta nói phều phào có hơi mà không có sức, chẳng những có vẻ đang bệnh mà còn là bệnh rất nặng nữa; nhưng trong lúc này, ở đây, ai cũng thấy là hòa thượng ắt hẳn là người có lai lịch lớn, chắc có thân phận rất cao.

Tất nhiên Lão Chủ Lớn cũng có cách nhìn như vậy. Lão còn nhận ra nhà sư có thể là vị cứu tinh duy nhất cho mình. Dù thế nào đi nữa lòng người tu hành cũng không đến nỗi quá cứng rắn. Nghĩ vậy Lão Chủ Lớn đứng dậy cung kính cười ve vuốt bảo :

- May mà đây lại không phải địa ngục, dù đại sư đã tới đây cũng không phải chịu khổ nạn của khách thập phương!

Hòa thượng già lại thở dài bảo :

- Đây không phải địa ngục, lão tăng không tới chịu khổ thì ai tới chịu khổ đây?

Lão Chủ Lớn miễn cưỡng bảo :

- Đã thế tới đây đại sư còn muốn chịu khổ gì vậy?

Hòa thượng già bảo :

- Bắt ma cũng khổ, giết người cũng khổ!

Lão Chủ Lớn hỏi :

- Đại sư mà cũng giết người ư?

Hòa thượng già bảo :

- Ta không giết người thì ai giết? Ta có giết người vị tất đã phải vào địa ngục!

Người cụt tay bỗng hỏi :

- Ngươi biết ta là ai không?

Lão Chủ Lớn lắc đầu. Bất kỳ ai đã làm đến “Ông Chủ Lớn” như lão mà còn để ý đến người khác chắc hẳn không nhiều! Người cụt tay bảo :

- Nhưng ngươi cần phải biết ta là ai! Người như ta đây một mắt một tay một chân mà lại sử song kiếm, sợ chẳng có mấy ai đâu!

Lão ta chắc chẳng phải khoe mẽ vì người như lão ta nói sợ tìm trên giang hồ cũng khó ra người thứ hai. Chỉ có mỗi “Yến Tử Song Phi” Đơn Diệc Phi được xếp vào hàng thứ ba trong “mười đại kiếm khách ở Giang Nam” mà thôi.

Lão Chủ Lớn dĩ nhiên cũng biết người này :

- Té ra là Đơn đại hiệp!

Người cụt tay ngạo nghễ bảo :

- Phải, ta là Đơn Diệc Phi đây! Ta cũng tới để giết người đây!

Lão già gầy khô cũng tiếp lời ngay :

- Còn ta là Liễu Khô Trúc đây!

Liễu Khô Trúc cũng là kiếm khách nổi tiếng ở Giang Nam. Trong mười cây kiếm có tiếng trên giang hồ đã có bảy người bị diệt dưới lưỡi kiếm của lão.

Đơn Diệc Phi lạnh lùng bảo :

- Hôm nay chúng ta tới đây là để giết người thế nào đây? Ta không nói chắc lão cũng biết rồi chứ?

Lão Chủ Lớn thở dài một cái, cười ve vuốt bảo :

- May mà các vị tới không phải để giết tôi!

Đơn Diệc Phi bảo :

- Dĩ nhiên không phải là lão rồi!

Câu nói chưa dứt ông ta đã nhảy vọt lên, kiếm đã tuốt ra khỏi vỏ, ánh kiếm vừa lóe đã đâm thẳng vào Cừu Nhị.

Cừu Nhị cũng đã sớm thu kiếm về vung kiếm trả đòn.

“Choeng” một tiếng. Hai thanh kiếm chém vào nhau, hai làn ánh kiếm đột ngột thay đổi phương hướng lia vào Lão Chủ Lớn. Nét cười trên mặt Lão Chủ Lớn còn chưa tắt, hai cây kiếm đã đâm xuyên qua cuống họng vào tim Lão Chủ Lớn rồi.

Không một ai ngờ đến sự diễn biến lạ này nên chẳng có ai ngăn trở. Vì cùng lúc hai cây kiếm tách ra, Trúc Diệp Thanh đã bị hòa thượng già đánh ngã.

Lại cũng cùng giây phút ấy, Liễu Khô Trúc cùng lão béo hay toe toét cười đã vọt đến cạnh “chú em”. Kiếm của Liễu Khô Trúc còn chưa tuốt ra khỏi vỏ, cán kiếm đã thúc ngay vào sườn “chú em”. “Chú em” định nhao về phía trước thì kiếm của Cừu Nhị cùng Đơn Diệc Phi từ phía trước mặt đã bay thẳng tới. “Chú em” đành phải né sang phải thì đôi bàn tay đẹp như tay phu nhân quý phái đã chực sẵn, mấy ngón tay mềm mại bỗng dựng đứng lên, cả mười đầu ngón tay như mười mũi trủng chủ đã áp tới cổ họng và giữa đôi lông mày “chú em”.

“Chú em” hết đường tránh né, cái chết đã cầm chắc! Nhưng A Cát không thể để “chú em” phải chết, tuyệt đối không thể! Cây kiếm của Liễu Khô Trúc vừa rút ra khỏi vỏ, đột nhiên lão thấy bóng người thoáng qua trước mắt, kiếm trên tay lão đã lọt vào tay người khác. ánh kiếm lại lóe lên và mũi kiếm đã dí sát họng Liễu Khô Trúc.

Nhưng mũi kiếm không thọc vào Liễu Khô Trúc vì mấy ngón tay trủng thủ của lão béo vẫn chưa chọc vào đầu “chú em”! Động tác của từng người đều ngưng lại, cặp mắt của từng người đều đổ dồn vào mũi kiếm của A Cát. A Cát lại mải nhìn mười ngón tay nhọn sắc như dao kiếm của lão béo mập.

Chỉ giây lát ngắn ngủi ấy tưởng chừng như dài cả năm trường, cuối cùng hòa thượng già thở dài than :

- Tay các hạ nhanh thật!

A Cát lạnh nhạt đáp :

- Tôi cũng biết giết người!

Hòa thượng già bảo :

- Nhưng mà các hạ chịu khổ lo việc của chúng ta làm gì?

A Cát bảo :

- Vì người này có chút quan hệ với tôi!

Hòa thượng già nhìn “chú em”, lại nhìn bàn tay như ngọc của quý phu nhân kia rồi thở dài mà bảo :

- Các hạ muốn cứu người này, sợ rằng khó được đây!

A Cát hỏi :

- Tại sao?

Hòa thượng già đáp ngay :

- Vì đôi tay kia kìa!

Hòa thượng chậm rãi nói tiếp :

- Vì đó là đôi tay “Sưu Hồn Thủ” (bắt hồn) của Phú Quý Thần tiên chuyên “điểm đá hóa vàng, điểm sống thành chết” mà! Nếu các hạ giết Liễu Khô Trúc thì vị thí chủ thiếu niên này chết là chắc chắn!

A Cát bảo :

- Chẳng lẽ các vị không tiếc gì mạng của Liễu Khô Trúc ư, đổi mạng lấy mạng thì sao?

Hòa thượng già trả lời gọn lỏn :

- Đâu được!

A Cát biến sắc mặt bảo :

- Nó chẳng qua chỉ là một đức trẻ, tại sao các vị cứ nhất định phải dồn nó vào chỗ chết?

Hòa thượng già bỗng nhiên cười nhạt bảo :

- Đức trẻ? Nó chỉ là một đứa trẻ ư? Một đứa trẻ như nó sợ rằng thế gian này chẳng có nhiều đâu!

A Cát bảo :

- Bây giờ nó còn chưa đến mười lăm tuổi!

Hòa thượng già lạnh lùng bảo :

- Nhưng chúng ta tuyệt đối không thể để nó sống đến tuổi mười sáu được!

A Cát hỏi :

- Tại sao?

Hòa thượng già hỏi chứ không trả lời :

- Các hạ có biết Thiên Tôn không đã?

A Cát hỏi lại :

- Thiên Tôn?

Hòa thượng già lại thở dài, chậm chạp đọc lên tám câu kệ :

- Trời đất vô tình. Quỷ thần không mắt. Vạn vật bất tài. Dân ngủ chẳng biết. Sống chết bất ngờ. Họa phúc không cửa. Đất trời tăm tối. Chỉ ta đáng tôn!

A Cát hỏi :

- Đó là lời của ai. Khẩu khí lớn lối nhỉ!

Hòa thượng già bảo :

- Đó là câu khấn của Thiên Tôn đọc khi khai môn lập phái. Đến trời đất quỷ thần cũng bị họ chẳng để lọt mắt, huống gì con người! Những gì họ làm, chẳng kể cũng có thể biết được!

Cừu Nhị bảo :

- Thế lực của họ hùng mạnh lắm, không hề kém Hội Rồng Xanh năm xưa đâu! Đáng tiếc là trên giang hồ còn mấy kẻ chẳng tin tà giáo chúng ta đây sẵn sàng liều mạng với họ!

Đơn Diệc Phi bảo :

- Vì thế mà chút oán riêng của mười kiếm khách Giang Nam với Cừu Nhị đã trở nên chẳng đáng kể gì. Chỉ cần tiêu diệt được bọn tà ác này thì dù đầu Đơn mỗ có rơi xuống còn chẳng tiếc, sá gì một chút thù riêng!

Cừu Nhị bảo :

- Bang hội đầy thế lực tàn ác ở đất này chính là một chi nhánh thuộc hạ của Thiên Tôn đấy!

Hòa thượng già bảo :

- Mệnh lệnh của Thiên Tôn đều do thằng bé này thao túng chỉ huy ngầm trong bóng tối. Lão Chủ Lớn với Trúc Diệp Thanh chẳng qua chỉ là con rối trong tay nó mà thôi.

Mặt A Cát trắng bệch ra. Với tiếng tăm địa vị của Thập Kiếm Giang Nam dĩ nhiên họ không cố tình làm hại đến một đứa trẻ con. Lời họ, nói thực là chàng không thể không tin.

Lão Hòa thượng bảo :

- Giờ đây chắc chàng cũng đã rõ rồi, vậy chàng có còn muốn cứu gã nữa không?

A Cát bảo :

- Còn

Sắc mặt hòa thượng già cũng thay đổi.

A Cát không đợi hòa thượng mở miệng, lại hỏi ngay :

- Gã có phải đầu sỏ của Thiên Tôn không?

Hòa thượng già đáp :

- Dĩ nhiên là không phải!

A Cát hỏi :

- Đầu sỏ của Thiên Tôn là ai?

Hòa Thượng già đáp :

- Đầu sỏ của Thiên Tôn gọi là Thiên Tôn

A Cát bảo :

- Nếu có người lấy mạng của hắn đổi lấy mạng thằng bé này, các vị chịu không?

Hòa thượng già bảo :

- Đương nhiên là chịu, chỉ tiếc là dù chúng tôi chịu, cuộc trao đổi này nhất định không thành đâu!

A Cát hỏi :

- Tại sao?

Hòa thượng già đáp :

- Vì không ai có thể giết nổi Thiên Tôn, không có ai là đối thủ của hắn!

Tiếng hòa thượng ngưng bặt, trên mặt lộ một vẻ rất kỳ quái, tựa hồ tâm thần ông ta lúc đó bay bổng tận nơi đâu, rất lâu sau ông ta mới chậm rãi nói tiếp :

- Có lẽ cũng có một người...

A Cát hỏi :

- Ai vậy?

Hòa thượng già nói :

- Tam...

Ông ta chỉ nói có một từ rồi dừng ngay, thở dài mà bảo :

- Chỉ tiếc người này chẳng còn ở nhân thế nữa, có nói ra cũng bằng thừa.

A Cát bảo :

- Thì nhà sư cứ nói ra, có gì trở ngại đâu?

ánh mắt nhà sư già dường như lại bay bổng tận cõi xa, lẩm bẩm bảo :

- Trên trời dưới đất độc nhất vô nhị chỉ có mỗi người này, độc nhất vô nhị có mỗi cây kiếm này. Chỉ có kiếm pháp của chàng ta mới thật là ngàn đời chẳng có, thiên hạ vô song.

A Cát bảo :

- Nhà sư bảo là...

Hòa thượng già nói :

- Ta nói là Tam thiếu gia!

A Cát hỏi :

- Tam thiếu gia nào?

Hòa thượng giả bảo :

- Núi Thúy Vân Phong, hồ Lục Thủy, Tam thiếu gia của Thần Kiếm sơn trang Tạ Hiểu Phong!

Trên trời dưới đất chỉ có một con người như thế. Chàng không chỉ là kiếm khách có một không hai trong thiên hạ mà còn là một vị tài tử. Từ lúc ra đời chàng đã được vinh quang và sủng ái, không có ai sánh bằng. Chàng thông minh anh tuấn, lực lưỡng khỏe mạnh, cho dù người căm giận chàng nhưng cũng không thể không khâm phục. Bất kỳ ai cũng đều biết Tạ Hiểu Phong là một con người như thế, nhưng liệu có ai thật sự thấu hiểu chàng?

Phải chăng không có ai thấu hiểu chàng cũng chẳng sao?! Có một số người sinh ra đời đâu cần phải để cho người khác hiểu, mà cứ như là thần thánh đó thôi! Vì làm gì có ai hiểu được thần thánh, có thế thần thánh mới được người ta lễ bái và và tôn kính.

Trong cõi lòng, trong con mắt người đời, Tạ Hiểu Phong cơ hồ đã tiếp cận với thánh thần. Còn A Cát?

A Cát chẳng qua chỉ là một lãng tử giang hồ lam lũ, là gã A Cát vô dụng! Tạ Hiểu Phong làm sao lại có thể biến thành một con người như A Cát thế này, thế mà giờ đây gã A Cát lại xưng xưng lên bảo :

- Tôi là Tạ Hiểu Phong!

Có thật không?

Hòa thượng già cười, cười vang :

- Ngươi là Tạ Hiểu Phong là Tam thiếu gia nhà họ Tạ?

A Cát bảo :

- Phải!

Chàng không cười. Đây là bí mật của chàng mà cũng là nỗi đau khổ của chàng.

Chàng dù chết cũng không để lộ, thế mà giờ đây chàng phải nói ra. Vì chàng không thể để “chú em” phải chết, tuyệt đối không thể để “chú em” chết được! Rồi tiếng cười của nhà sư già cũng phải tắt, ông ta lạnh lùng bảo :

- Thế sao trên giang hồ ai ai cũng biết là chàng đã chết?

A Cát đáp :

- Chàng chưa chết!

Mắt chàng tràn ngập đau buồn và khổ sở :

- Có thể con tim chàng đã chết, còn con người mới hóa thành A Cát?

A Cát chậm rãi gật đầu, mặc nhiên bảo :

- Chỉ đáng tiếc là con tim A Cát vẫn chưa chết, vì vậy Tạ Hiểu Phong không thể nào không sống lại được!

Cừu Nhị đột nhiên bảo :

- Tôi tin chàng ta!

Hòa thượng già hỏi :

- Tại sao tin?

Cừu Nhị đáp :

- Vì trừ Tạ Hiểu Phong ra làm gì có ai buộc Mao Nhất Vân quỳ được?

Liễu Khô Trúc cũng nói :

- Tôi cũng tin!

Hòa thượng già hỏi :

- Tại sao tin?

Liễu Khô Trúc đáp :

- Vì trừ Tạ Hiểu Phong ra tôi không thể nào tưởng tượng là có người chỉ một chiêu mà cướp được kiếm của tôi!

Hòa thượng già hỏi tiếp :

- Còn người?

Đó là ông ta hỏi “Cao Quý Thần Tiên Thủ”

Thần Tiên Thủ không mở miệng nhưng đôi tay đẹp như của bà mệnh phụ của ông ra thõng xuống, những móng tay sắc như lưỡi kiếm cũng nhũn ra. Đó là câu trả lời rõ nhất.

Bàn tay Tạ Hiểu Phong lật lại một cái, cây kiếm trúc khô của Lãnh Khô Trúc đã chui tụt vào vỏ kiếm đeo bên hông ông ta.

“Chú em” cũng quay mình đối diện với Tạ Hiểu Phong, nhìn chàng, trong ánh mắt gã lộ một tình cảm kỳ quái không sao miêu tả nổi.

Cao Quý Thần Tiên Thủ cũng dùng đôi tay cao quý như tay bà mệnh phụ của mình vỗ vỗ vào vai gã bảo :

- Ngươi còn quên một việc đấy nhé! Còn quên cảm ơn cứu mạng của Tam thiếu gia!

“Chú em” cúi nhẹ đầu, cuối cùng cũng chầm chậm bước tới, chậm chạp quỳ xuống.

Tạ Hiểu Phong nắm chặt lấy tay gã, trên bộ mặt mệt mỏi tiều tụy của chàng dường như rạng rỡ lên.

“Chú em” bỗng ngửng đầu hỏi :

- Ông...ông sao lại cứu tôi?

Tạ Hiểu Phong không đáp mà chỉ cười cười, cười có vẻ vui mà dường như cũng có vẻ buồn. Nhưng nét mặt chàng còn đang đọng nét cười thì tay phải chàng đã bị tóm chặt lấy Mạch môn. Huyệt đạo của chàng đã bị tóm, chàng bị “chú em” dùng “Thất thập nhị tiểu cầm nã thủ” tóm lấy huyệt đạo lợi hại nhất của người cầm kiếm. Đúng trong thoáng chốc đó, Đơn Diệc Phi cũng bay vọt lên đá một chân về phía Tạ Hiểu Phong, chỉ nghe “phạch” một tiếng từ cái chân gỗ của lão đã bật ra một thanh kiếm. Người lão đang tung bay thanh kiếm đã đâm thẳng vào đầu vai Tạ Hiểu Phong.

Đó là thanh kiếm thứ hai của lão.

Đó mới thực sự giúp lão nổi tiếng là Sát thủ! Tạ Hiểu Phong không né tránh cây kiếm này. Vì trong lúc này chàng còn đang mải nhìn “chú em” ánh mắt của chàng không hề khiếp sợ, giận dữ mà chỉ tràn trề buồn thương, thất vọng và đau khổ.

Cho tới khi mũi kiếm của Cừu Nhị tiên sinh và Liễu Khô Trúc cũng đâm tới, lại còn thêm cả đôi tay cao quý như của bà mệnh phụ phu nhân, đôi tay Cao Quý Thần Tiên “Sưu Hồn Thủ” (tay bắt hồn).

Tạ Hiểu Phong vẫn không động đậy, không né tránh, tuy huyệt Mạch Môn tay phải chàng bị tóm chặt nhưng chàng vẫn còn một tay nữa... Sao chàng không động đậy?

Chẳng lẽ vị kiếm khách thiên hạ vô song bị một thằng bé con dùng cầm nã thủ bắt lấy tay mà không rút được tay ra! Kiếm của Cừu Nhị còn nhanh hơn của Liễu Khô Trúc, lão đâm vào gối Tạ Hiểu Phong. Gối trái tuy chẳng phải là chỗ yếu hại nhất của thân người nhưng đủ khiến người ta hết hành động được. Cừu Nhị ra tay chuẩn xác và độc địa vì nếu đã muốn đả thương chỗ yếu hại của Tạ Hiểu Phong thì tuyệt không thể nào sai chạy được.

Bọn họ cũng chưa muốn hại tính mạng của Tạ Hiểu Phong ngay.

Nhát kiếm này Tạ Hiểu Phong cũng không né tránh, mũi kiếm lướt qua, mát tươi vọt lên tận mặt “chú em”.

Kiếm của Liễu Khô Trúc cũng nối theo đâm tới... Chợt “chú em” gào lên, buông tay Tạ Hiểu Phong ra, dùng hết sức đẩy chàng ra rồi dùng ngay cánh tay mình chặn mũi kiếm trúc khô, mũi kiếm vừa khéo đâm phập ngay vào khớp xương của gã.

- Ngươi điên à?

Liễu Khô Trúc giận dữ thét lên rút kiếm nhưng rút không ra.

Đơn Diệc Phi lăng không lật mình kiếm trong chân gỗ tụt vào rồi lại bật ra :

chiêu “Yến Tử Song Phi” (Chim yến bay đôi).

Kiếm của Cừu Nhị đâm chếch cứa vào mặt Tạ Hiểu Phong.

Ba cây kiếm ba phương hướng, đều nhanh như điện chớp, độc địa như rắn rết. Chỉ nghe “bùng” một tiếng, trường kiếm của Cừu Nhị bỗng bị một nguồn sức mạnh đẩy chếch lên đâm phập vào chân Đơn Diệc Phi.

Đơn Diệc Phi bị mất trọng tâm, thân hình từ trên không giáng xuống, “rắc rắc” mấy tiếng rồi cánh tay gẫy rời, cây kiếm trong tay chẳng thấy đâu nữa.

Cây kiếm trúc khô thì bị “chú em” mắc chặt, vì con người “chú em” đã bị dính chết vào cây kiếm trúc.

“Sưu Hồn Thủ” của Cao Quý Thần tiên đã chộp tới họng và hai mắt “chú em”. Bỗng đâu ánh kiếm loáng lên mười ngón trên đôi bàn tay mệnh phụ cao quý đã bị chặt cụt, từng ngón từng ngón lả tả rơi xuống, máu tưới ròng ròng đầy đất.

ánh kiếm lại lóe lên, máu tươi lại vọt ra. Liễu Khô Trúc kêu lên thảm thiết ngã vật xuống, thì “chú em” bay ra ngoài cửa.

Không có ai đuổi theo và ngoài cửa đã có người chặn lại.

Tạ Hiểu Phong đẩy kiếm, cướp kiếm, vung kiếm, chặt ngón tay, đâm người và lật tay đẩy “chú em” ra ngoài cửa thì thân mình đã chặn ở cửa rồi.

Đến giờ thì ai nấy đều biết chàng chính là Tạ Hiểu Phong. Trong tay chàng đang cầm kiếm.

Khi Tam thiếu gia nhà họ Tạ đã cầm kiếm trong tay, còn kẻ nào dám xốp nổi manh động?

Cho dù chàng bị thương, dù vết thương của chàng đang rỏ máu nhưng cũng chẳng ai dám nhúc nhích.

Cho đến khi chàng lùi đi rất lâu rồi lão hòa thượng mới thở dài não nuột bảo :

- Quả nhiên là kiếm pháp thiên hạ vô song, quả nhiên là kiếm khách Tạ Hiểu Phong thiên hạ vô song!

Khi nãy bị đánh ngã vẫn nằm cứng đờ trên mặt đất, bỗng Trúc Diệp Thanh bật dậy nói :

- Kiếm pháp rõ ràng là tuyệt rồi nhưng còn thiên hạ vô song thì chửa vị tất!

Gã từ tốn ngồi dậy, trên mặt lại lộ nét cười cợt.

Hòa thượng già cũng chẳng kinh lạ gì chỉ lườm gã một cái rồi lạnh lùng bảo :

- Kiếm pháp của Diệp tiên sinh thì cũng tuyệt rồi, sao khi nãy không tuốt kiếm trở dậy cùng chàng ta thử một trận thắng bại?

Trúc Diệp Thanh mỉm cười :

- Tôi so không bằng gã.

Hòa thượng già hỏi :

- Ngươi biết ai có thể so bằng chàng ta?

Trúc Diệp Thanh bảo :

- Ít nhất cũng có một người!

Hòa thượng già hỏi :

- Phu nhân ư?

Trúc Diệp Thanh mỉm cười mà không cười, hỏi trở lại :

- Ông đã thấy phu nhân ra tay chưa?

Hòa thượng già bảo :

- Chưa!

Trúc Diệp Thanh bảo :

- Chỉ vì phu nhân có muốn giết người cũng chẳng cần phải tự mình ra tay!

Hòa thượng già :

- Liệu có ai có thể ra tay thay phu nhân, có thể đưa Tạ Hiểu Phong vào chỗ chết?

Trúc Diệp Thanh đáp :

- Yến Thập Tam!

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play