Từ Ðạt day lại chỉ nhà sư mặt mày hung tợn, có rất nhiều vết thẹo, hai mắt hỏm sâu nhưng rất có thần nói thêm:

- Ðây là Chu đại ca, tên là Nguyên Chương, hiện đang tu ở chùa hoàng Giác, hình thù xấu xí nhưng bụng dạ rất tốt.

Hoa Vân vừa cười vùa xen vào:

- Anh ấy là Hòa thượng rất phong lưu vì không phải tụng kinh niệm Phật mà suốt ngày chỉ ăn thịt, uống rượu bằng thích.

Bất Hối thấy Nguyên Chương xấu xí như vậy, trong lòng thêm hãi sợ càng núp sát vào sau lưng Vô Kỵ .

Nguyên Chương vừa cười vừa nói:

- Tôi là hòa thương, tuy ăn thịt, nhưng không thèm ăn thịt người như những kẻ khác đâu, cô em đừng sợ mỗ.

Thanh Hòa cũng lên tiếng:

- Nồi thịt bò của chúng ta đang nấu ở trong chùa, chắc đã chín rồi.

Hoa Vân đã vội tiếp:

- Thôi, chúng ta hãy trở về chùa đánh chén đi. Cô em nầy để tôi cõng cho.

Y vừa nói vừa cõng Bất Hối, rồi lớn bước đi ngay.

Vô Kỵ thấy những người ấy vui vẻ và tốt bụng trong lòng cũng mừng thầm, liền đi theo bọn họ.

Ði được bốn năm dặm, đã tới một cái chùa, xuyên qua đại điện, đã ngữi được mùi thịt bò rất thơm ngon.

Ngô Lương vội la:

- Thịt đã chín rồi!

Từ Ðạt nói:

- Chú em họ Trương ở đây nghỉ ngơi, để chúng tôi đi bưng thịt bò ra cho ăn.

Vô Kỵ với Bất Hối, ngồi sát nhau trên một tấm thảm bồ đoàn ở giữa đai điện.

Nguyên Chương, Từ Ðạt, Thanh Hòa, Ðặng Dư, mỗi người một tay bưng từng bát, từng chậu thịt bò ra.

Anh em Ngô Lương, Ngô Chính thì xách tĩn rượu trắng đi theo.

Thế rồi, mọi người xúm quanh lại trước bàn thờ ăn nhậu một cách sung sướng vô cùng.

Hoa Vân nói:

- Từ đại ca, Vô Kỵ , với Bất Hối đã đói bụng mấy ngày rồi, lúc này hai đứa nó được ăn thịt bò, tất nhiên đều sung sướng hơn cả những người kia.

Hoa Vân bỗng lên tiếng:

- Từ đại ca này, giáo quy của chúng ta điều nào cũng tốt riêng có điều cấm ăn thịt là hơi hỏng thôi.

Vô Kỵ nghe nói, rùng mình kinh hãi thầm nghĩ:

- Thì ra những người này đều theo Minh Giáo cả. Quy luật của Minh Giáo chỉ cho phép ăn rau đậu và lễ Ma vương. Sao họ lại ăn thịt bò như thế này?

Từ Ðạt đáp:

- Yếu nghĩa thứ nhứt của Minh Giáo chúng ta là phải hành thiện khứ ác, ăn thịt như thế này tuy không nên phải thực, nhưng điều này chỉ là điều cấm thứ yếu thôi. Hiện giờ nơi đây, không có gạo, không có rau đậu, nếu chúng ta không ăn thịt bò thì ngồi chịu chết đói sao?

Ðặng Dư vỗ tay tán thành:

- Từ đại ca sáng suốt và nói rất hợp lý. Thôi, chúng ta ăn đi.

Trong lúc mọi người đang cao hứng ăn nhậu, bỗng nghe có tiếng chân người đi tới, tiếp theo có tiếng gõ cửa.

Thanh Hòa nhảy phắt lên la lớn:

- Nguy tai! Người nhà của Trương viên ngoại tới kiếm con bò chăng?

Chàng vừa nói dứt, đã nghe tiếng cửa chùa bị có người đẩy ra, và liền theo đó gia đinh vênh váo đi vào. Một trong hai tên đầy tớ ấy lên tiếng trước:

- Giỏi lắm! Thì ra con bò đực lớn của Trương viên ngoại đã bị các ngươi ăn trộm và hiện đang ăn vụng ở nơi đây! Chứng cớ hẳn hòi, các ngươi không còn chối cãi được nữa đấy nhé?

Nói xong, tên ấy túm luôn ngực Nguyên Chương còn tên kia thì lớn tiếng mắng chửi:

- Ngày hôm nay tang chứng đầy đủ, xem các người còn chạy chối đàng nào. Ngày mai chúng ta sẽ đưa các ngươi lên quan, để các nha sai đánh cho các ngươi một trận đòn chí chết mới thôi.

Nguyên Chương vừa cười vừa đáp:

- Hai ngươi nói bậy thật, sao hai ngươi dám vu oan cho chúng ta ăn trộm con bò của Trương viên ngoại? Ta là người tu hành, ngươi đổ cho ta ăn thịt không sợ mang tội?

Tên ác bộc chỉ vào bát và chậu thịt bò, quát hỏi:

- Những bát và chậu nầy không đựng thịt bò thì còn thịt gì nữa ?

Nguyên Chương đưa mắt ra hiệu, rồi lại cười hì hì đáp:

- Ai bảo là thịt bò?

Hai tên Ngô Lương, Ngô Chính đi tới phía sau lưng hai tên ác bộc, quát lớn một tiếng, rồi nắm chặt hai cánh tay, khiến chúng không sao cử động được.

Nguyên Chương rút một con dao găm ra, vừa cười vừa nói:

- Không dám nói dối hai vị đại ca, thịt chúng tôi đang ăn đây là thịt người, chớ không phải thịt bò ! Hôm nay, chúng tôi đã để cho hai vị thấy, đành phải ăn nốt hai vị để diệt khẩu, chớ biết làm sao bây giờ?

Vừa nói dứt chàng đã xé toạt áo của một tên ác bộc ra, và đưa mũi dao lên khẽ cứa qua một cái, máu tươi rỉ ra.

Tên ác bộc ấy hãi sợ vô cùng, vội quỳ xuống van lạy:

- Xin... quý vị... tha...

Nguyên Chương vội lượm một nắm thịt bò nhét luôn vào mồm hai tên ác bộc và quát lớn:

- Nuốt ngay đi.

Hai tên ấy không dám nhai, cứ vội nuốt trọng, mặt nhăn nhó, trông thật tức cười.

Nguyên Chương lại đi xuống bếp, lấy một nắm lông bò lên, cũng nhét vào mồm, bắt hai tên ấy nuốt như trước. Thấy hai tên ác bộc đã cố nuốt hết nắm lông bò ấy rồi, Nguyên Chương lại nói tiếp:

- Hai ngươi đi nói cho viên ngoại hay là chính ta đã ăn trộm con bò đực của ông ta và cũng đã làm thịt ăn mất trồi. Chúng ta vui lòng mỗ bụng ra đối chất, xem ai ăn thịt bò mà không cạo sạch lông?

Nói xong chàng lật ngược con dao, dùng sóng dao lướt qua bụng tên nọ một cái. Tên ấy vừa cảm thấy con dao lạnh buốt lướt qua bụng, đã sợ hãi, thết lớn một tiếng.

Anh em họ Ngô ha hả cười, giơ chân lên đá vào đít hai tên nọ một cái thật mạnh.

Hai tên nọ bị đá bắn ra ngoài điện, mọi người mới yên trí ăn nhậu, vừa cười vừa mắng chửi hai tên ác bộc, thường ngày đã ỷ vào thế lực của Trương viên ngoại hà hiếp người lành.

Lần nầy, chúng sợ bị mỗ bụng đối chất, nhứt định chúng không dám nói cho viên ngoại biết chuyện chúng ta ăn trộm bò đâu.

Vô Kỵ vừa buồn cười vừa phục thầm hành động của những người đó, liền nghĩ:

- Mặt mũi của hòa thượng họ Chu nầy tuy khó coi, nhưng anh ta hành sự rất nhanh nhẩu và chế ngự hai tên kia không cử động được và cũng không nói lời nào vào đâu được. Thủ đoạn của anh ta lợi hại vô cùng.

Bọn Thanh Hòa, Ðặng Dư đã nghe Từ Ðạt kể cho biết rồi, nên họ đều rõ chuyện Vô Kỵ hy sinh tánh mạng để cứu Bất Hối, ai nấy đều yêu mến Vô Kỵ là một thiếu niên hiệp nghĩa và coi cậu như một người bạn thân, cứ tiếp mời rượu thịt luôn.

Mọi người uống đã ngà ngà say.

Ðặng Dư thở dài và nói:

- Người Hán chúng ta bị bọn Mông Cổ đè nén đau khổ biết bao, hôm nay còn làm cho chúng ta không có cơm ăn, hoàn cảnh thế này làm sao sống được?

Hoa Vân vỗ đùi tiếp lời:

- Chúng ta đã thấy dân chúng ở phủ Phụng Dương nầy chết gần phân nửa. Theo ý tôi thì trên thiên hạ nầy đâu đâu cũng thế thôi, nếu cứ ngồi yên mà chịu chết đói thà đi thí mạng với bọn Thát Ðát còn hơn.

Từ Ðạt cũng lớn tiếng nói:

- Ngày nay, mạng người không bằng mạng chó, mạng heo cũng như chú em và cô em đây, suýt tí nữa thì bị chui vào bụng người khác rồi. Khắp thiên hạ, có không biết bao nhiêu lương dân trở thành bò dê, chúng ta là đấng nam nhi đại trượng phu, nếu lúc nầy không ra tay cứu mọi người thì còn gọi làm sao được là anh hùng hào kiệt nữa ?

Thanh Hòa cũng xen lời nói:

- Phải đấy! Hôm nay chúng ta may mắn trộm một con bò đực về ăn. Ngày mai, chưa chắc chúng ta sẽ lấy trộm được như vậy nữa. Vả lại, vô số anh hùng hào kiệt cũng không đủ ăn đủ mặc như ta, chẳng lẽ họ đi làm giặc hết sao ?

Mọi người càng nói càng tức giận, cứ luôn mồm chửi bọn quan binh Mông Cổ hại người.

Nguyên Chương bèn lên tiếng nói:

- Chúng ta cứ ở đây chửi đổng như vậy, chẳng hay đã làm rụng được cái lông nào của bọn Mông Cổ chưa? Nếu ai là người có cốt khí đi giết quân Mông Cổ ngay có hơn là ngồi đây chửi đổng không?

Thanh Hòa, Ðặng Dư, anh em họ Ngô, Hoa Vân đều đồng thanh la lớn:

- Ði! Ði!

Từ Ðạt lại nói:

- Chu đại ca, đại ca còn làm cái trò hòa thượng nầy nữa không? Chắc đại ca đã chán ghét cái trò ấy phải không? Trong tất cả anh em đây, anh là người lớn tuổi, chúng tôi xin ủng hộ anh làm thủ lãnh.

Nguyên Chương không từ chối, liền đáp:

- Ngày hôm nay chúng ta cùng đồng sinh cộng tử, có phúc cùng hưởng, có họa cùng gánh.

Mọi người cùng cầm bát rượu lên uống cạn, rút dao ra chém xuống mặt bàn thật là hào khí vô cùng.

Bất Hối cứ trợn tròn hai mắt nhìn mọi người, không hiểu họ nói những gì, trong lòng có vẻ sợ hãi.

Còn Vô Kỵ đang nghĩ:

- Thái sư phụ đã dặn ta luôn, là chớ có làm quen với những người trong Ma Giáo, nhưng ta thấy Ngộ Xuân đại ca và Từ đại ca đây đều là người trong Ma Giáo cả, mà lại tốt bụng gấp bọn Dãn Tiệp, Công Viễn những đệ tử của danh môn chánh phái gấp vạn lần!

Xưa nay Vô Kỵ vẫn kính phục Trương Tam Phong, nhưng từ khi được từng trải thì y nhận thấy sự nhận xét người trong Ma Giáo của thái sư phụ hơi thiên một chút. Tuy vậy y vẫn không dám trái lời dạy bảo của thái sư phụ.

Nguyên Chương lại nói:

- Người hảo hớn đã nói là phải làm. Lúc nầy chúng ta đều no bụng cả rồi thì chúng ta phải hành sự ngay đi. Ngày hôm nay, nhà Trương viên ngoại đang thiết tiệc đãi bọn quan quân Mông Cổ, chúng ta hãy đi tới đó giết bọn giặc cướp nước ấy trước.

Hoa Vân đáp:

- Hay lắm! Hay lắm !

Nói xong y bèn cầm dao đứng dậy, Từ Ðạt vội cản lại:

- Khoan đã!

Ðoạn chàng vào trong bếp lấy ra một tay nảy đựng mười mấy cân thịt bò, đưa cho Vô Kỵ và nói:

- Chú em họ Trương còn ít tuổi nên không thể nào theo chúng tôi để chém giết bọn cướp nước được. Vậy chú em hãy đi đi. Trước khi chia tay, chúng tôi đã nghèo xác xơ, trong túi không có nửa phân bạc, chỉ có mấy cân thịt bò nầy để tặng chú em lên đường. Nếu may ra chúng tôi không chết thì sau nầy chúng ta sẽ được dịp gặp nhau, và sẽ lại ăn một bữa thịt bò thật no nữa.

Vô Kỵ đỡ lấy tay nảy thịt bò, đáp:

- Mong các vị thành công đuổi được bọn Mông Cổ ra khỏi bờ cõi để bá tánh đều có bữa cơm ăn.

Nguyên Chương, Từ Ðạt, Thanh Hòa nghe Vô Kỵ nói đều rùng mình sờn lòng và đồng thanh đáp:

- Chú em họ Trương nói rất phải. Chúng ta sẽ tái ngộ một ngày gần đây.

Mọi người rút khí giới và đi ra khỏi chùa.

Thấy bọn họ đi rồi, Vô Kỵ nghĩ thầm:

- Lần nầy họ đi giết quân Mông Cổ, nếu ta không vướng Bất Hối thì cũng theo họ ngay.

Họ chỉ có bảy người, chắc không địch lại kẻ địch quá đông đâu. Rồi đây bọn Mông Cổ với tráng đinh của nhà Viên ngoại sẽ đuổi theo tới đây chém giết cho kỳ sạch. Ta không ở lại đây được .

Ðoạn Vô Kỵ xách tay nải thịt bò, dắt Bất Hối ra khỏi chùa đó.

Trong đêm tối, hễ thấy đường là đi, hai đứa trẻ đi được năm sáu dặm bỗng thấy phía Bắc có ánh sáng đỏ rực trời, ngọn lửa bốc lên rất mạnh.

Vô Kỵ biết là bọn Nguyên Chương, Từ Ðạt đã thành công, hiện giờ có lẽ đang đốt nhà Viên ngoại.

Vô Kỵ mừng rỡ vô cùng. Ðêm hôm đó, hai đứa lại ngủ trong rừng.

Sáng sớm hôm sau, cả hai lại đi về phía Tây.

Suốt dọc đường chịu đói, chịu rét khổ sở khôn tả.

Cũng may cha mẹ Bất Hối đều là những tay võ nên con nhỏ cũng khỏe mạnh hơn người, vì vậy đi xa như thế mà không hề sinh bệnh, thỉnh thoảng cảm mạo sơ sài.

Vô Kỵ hái thuốc sống trong rừng cho cô bé uống là khỏi ngay.

Hai đứa nhỏ cứ ngày đi đêm nghỉ, đi một chốc lại nghỉ một chốc nên mỗi ngày chỉ đi được độ hơn hai mươi dặm.

Chúng đi được mười lăm, mười sáu ngày mới tới biên giới tỉnh Hà Nam.

Lúc ấy Hà Nam cũng đang lâm vào tình trạng mất mùa, xác người chết đói nằm ngổn ngang đầy đường.

Vô Kỵ đã tự chế cung tên để bắn chim và giết thú, nướng ăn đỡ lòng.

Cũng nhờ vậy, bữa no bữa đói, hai đứa lại may mắn giữa đường không gặp một quan quân Mông Cổ nào, cũng không gặp một nhân vật giang hồ nào.

Còn những tên gian đồ vô loại thường, thì địch sao nổi Vô Kỵ.

Một hôm, ở giữa đường Vô Kỵ gặp một ông già đang nói chuyện phiếm, y bèn hỏi thăm Tọa Vọng Phong trên núi Côn Luân ở đâu thì ông già trợn trừng đôi mắt, kinh hãi trả lời:

- Núi Côn Luân ở cách đây hàng mười vạn dặm. Nghe nói hồi xưa, chỉ có Ðường Tăng đi thỉnh kinh mới qua đó thôi. Cậu với cô bé chẳng lẽ điên rồi hay sao mà định đi đến đó? Nhà các cháu ở đâu, mau mau đi về đi.

Vô Kỵ nghe nói, nản chí vô cùng và nghĩ thầm:

- Núi Côn Luân xa như vậy, chắc không thể nào đi đến nơi được. Ta đành về núi Võ Ðang gặp Thái sư phụ trước rồi hãy quyết định sau.

Nhưng y lại sực nghĩ:

- Người ta đã nhờ vã mình lúc hấp hối, thì dù đường sá khó khăn đến đâu mình cũng không thể giữa đường bỏ dở như thế được. Ðời sống của mình rất ngắn ngủi, nếu trước khi chết mình không đưa được Bất Hối tới nơi tới chốn thì thật là không nên không phải với Kỷ cô nương.

Thế rồi, y không nói chuyện với ông già kia nữa, liền dắt tay Bất Hối đi luôn.

Hai đứa đi được hơn mười ngày, quần áo rách tả tơi, mặt mũi tiều tụy khôn tả.

Ðiều đó không khiến Vô Kỵ phiền não, y chỉ bực mình nhứt là Bất Hối cứ hỏi mẹ luôn, mà hễ không thấy mẹ là con bé lại khóc lóc hàng nửa ngày.

Ngày nào cũng vậy, y phải tốn biết bao hơi sức mới khuyên Bất Hối nín khóc.

Một hôm cả hai tới sông Trú Mã, trời về cuối thu sang đông, gió bấc rét mướt.

Hai đứa bé quần áo rách rới, càng không chịu nổi giá lạnh.

Vô Kỵ liền cởi chiếc áo rách của mình cho Bất Hối mặc.

Bất Hối thấy vậy hỏi:

- Ðại ca không rét sao?

Vô Kỵ đáp:

- Anh không rét, anh đang nóng lắm.

Nói xong, chàng ta nhảy nhót vài cái cho đỡ run.

Bất Hối lại nói:

- Anh đối đãi với em tử tế quá, anh cũng rét mà lại đưa áo cho em mặc.

Ðột nhiên Bất Hối biết nói như người lớn. Vô Kỵ ngạc nhiên vô cùng.

Ðang lúc ấy bỗng nghe phía sau sườn núi có tiếng khí giới va chạm và có tiếng chân di động, kế Vô Kỵ lại nghe một thiếu nữ la lớn:

- Ác tặc, mi đã trúng Tán Môn Ðinh tẩm độc của ta rồi. Mi càng chạy nhanh bao nhiêu càng chóng chết bấy nhiêu.

Vô Kỵ liền kéo Bất Hối nằm phục xuống bụi lau ẩn núp.

Hai người chưa nằm yên đã thấy một chàng tuổi trạc ba mươi, thân hình vạm vỡ, đang chạy tới.

Cách sau chàng ta chừng mấy trượng, có một thiếu nữ tay cầm song đao đuổi theo.

Người đàn ông chạy loạng choạng mấy bước, đột nhiên ngã lăn ra mặt đất.

Thiếu nữ đuổi tới nơi vừa cười vừa nói:

- Ác tặc, ta bảo mi thế nào mi cũng chết bởi tay cô nương có sai đâu?

Chàng nọ đột nhiên nhảy phắt lên, múa song chưởng đánh vào ngực thiếu nữ một cái.

Thế võ của chàng ta phát ra trước khi chết nên sức lực càng mạnh lạ lùng.

Thiếu nữ nọ bị đánh trúng hai chưởng vứt song đao ra xa rồi ngã lăn ra đất.

Chàng nọ thở hổn hển, thò tay về phía sau lưng, rút mũi Ðinh Tán Môn ra, hậm hực nói:

- Ðưa thuốc giải cho tôi !

Thiếu nữ đáp:

- Muốn giết thì giết, ta nhứt định không đưa thuốc giải.

Chàng nọ nhặt luôn con dao, dí mũi dao vào cổ nàng, tay phải thì cho vào túi khám xét, khám mãi không gặp thuốc giải.

Thiếu nữ liền cười nhạt, nói:

- Lần nầy sư phụ phái chúng tôi đi bắt anh, chỉ trao ám khí độc mà không trao thuốc giải.

Bây giờ tôi bị anh kềm chế thì tôi cũng không muốn sống nữa, còn anh cũng chưa chắc thoát chết được đâu.

Chàng thanh niên tức giận vô cùng, cầm mũi đinh Tán Môn có độc kia ném vào vai thiếu nữ và quát lớn:

- Này cho cô nếm mùi độc của Tán Môn. Cô là người trong phái Côn Luân...

Chàng ta nói chưa dứt thì chất độc trên lưng đã bộc phát, người anh mềm nhũn, anh ngã lăn ra đất nằm sóng sượt.

Thiếu nữ muốn bò dậy, nhưng vết thương ở ngực quá nặng cũng khạc ra một đống máu tươi rồi ngồi phịch xuống.

Thế là, một nam một nữ đều nằm lăn ra bên lề đường, hô hấp nặng nề như sắp chết.

Từ khi chữa khỏi cho bọn Dãn Tiệp và Công Viễn rồi bị chúng trả ơn bằng cách định giết mình mà ăn thịt Vô Kỵ càng ngán người võ lâm nên chàng ta cứ núp một bên, ló đầu ra xem chớ không dám can thiệp cứu chữa cho hai người ấy.

Lát sau, nghe chàng thiếu niên thở dài mấy tiếng và nói:

- Ngày hôm nay Tô Tập Chi chết ở điếm Trú Mã nầy mà vẫn ân hận vì không hiểu rõ mình lỗi gì với phái Côn Luân của cô, nên không nhắm mắt êm xuôi. Chẳng hay Chiêm cô nương có thể nào cho tôi biết rõ nguyên nhân chăng?

Lời của chàng lúc này không có vẻ gì tức hận. Thiếu nữ nọ, họ Chiêm tên là Xuân, cũng biết thứ ám khí có chất độc rất lợi hại nàng sẽ cùng chàng kia chết đến nơi, nên nản chí và u oán đáp:

- Ai bảo anh lén xem sư phụ luyện kiếm! Trong khi sư phụ luyện pho Long Hình Nhứt Bút kiếm thì ai không được phép, dù là đệ tử ruột đi nữa mà lén xem cũng bị tội tức thì. Huống hồ anh là người ngoài.

Tập Chi kêu lên một tiếng rồi nói tiếp:

- Khốn nạn thật! Ðáng chết! Ðáng chết !

Chiêm Xuân càng nổi giận, nói:

- Anh sắp chết đến nơi mà còn cả gan mắng sư phụ tôi phải không?

Tập Chi đáp:

- Tôi chửi thì đã sao nào? Chẳng lẽ tôi chửi oan? Tôi đi qua núi Bạch Ngưu thì ngẫu nhiên thấy sư phụ cô luyện kiếm. Lòng hiếu kỳ thúc đẩy tôi mới đứng lại xem một hồi. Tôi đâu phải là một người thông minh tài trí tới mức chỉ đứng xem một lúc mà đã học được hết pho kiếm pháp đó? Nếu quả thật tôi có bản lãnh như thế thì mấy tên đệ tử Côn Luân đã làm gì nổi tôi nào? Chiêm cô nương, nói thật cho cô nương hay, sư phụ của cô là Thiên Cầm Tiên Sinh nhỏ nhen quá. Ðừng có nói là tôi chưa học được một thế hay nửa miếng của pho kiếm ấy mà dù tôi có học được đôi chút đi nữa, tội của tôi cũng không đến nỗi chết kia mà.

Chiêm Xuân lẳng lặng, lòng nghĩ thầm:

- Sư phụ mình cũng quá câu chấp. Thấy anh Tập Chi lén xem luyện kiếm liền phái sáu sư huynh ta đuổi theo và bắt giết. Nếu không, ta đâu đến nỗi toi mạng như thế này? Người nầy nói là y chưa học lóm võ công của sư phụ chắc thật chớ không phải bịa đặt đâu .

Tập Chi lại tiếp:

- Thế sư phụ cô đưa ám khí bôi độc cho các cô mà không đưa cho thuốc giải phải không ?

Ðấy, cô xem, trong võ lâm có một trưởng môn nào lại có thủ đoạn hèn như thế không? Ðồ khốn nạn...

Chiêm Xuân dịu giọng nói:

- Tô đại ca, tiểu muội hại anh như vậy, trong lòng bứt rứt vô cùng. Nhưng, bây giờ tôi cũng chết theo anh, có lẽ là số kiếp chúng ta như vậy. Chỉ tội nghiệp cho đại tẩu, công tử và tiểu thơ ở nhà thôi. Tôi thật ăn năn quá.

Tập Chi thở dài nói:

- Hai năm trước, nhà tôi đã chết vì đau ốm, chỉ còn lại một đứa con trai và một đứa con gái thôi. Ngày mai, chúng nó sẽ mồ côi, đã không mẹ nay còn mất cha!

- Nhà anh còn những ai nữa? Có ai trông nom hai đứa trẻ đó không?

- Lúc nầy, chúng đang được chị dâu tôi trông nom. Tánh nết của chị dâu tôi nóng nảy và điêu ngoa. Lúc nhà tôi còn sống, chị dâu tôi còn nể nang phần nào. Ôi! Từ nay trở đi hai đứa trẻ sẽ khổ sở vô cùng.

Chiêm Xuân là người rất tốt bụng, nghe Tập Chi nói, ứa nước mắt và khẽ đáp:

- Tất cả mọi việc đều do em gây nên cả.

- Ðiều nầy không thể trách cô được. Cô thừa lệnh rất nghiêm của sư phụ cô chớ cô có thù gì tôi đâu. Sự thật tôi bị cô ném phải ám khí có chất độc tôi chết đã đành, hà tất tôi còn đánh cô một chưởng và dùng ám khí ném lại cô như thế. Bằng không nếu tôi nói thật sự tình cho cô hay, thì cô là người nhân từ chắc cô cũng chịu trông hộ hai trẻ cho tôi.

- Tôi là hung thủ đã giết anh, sao anh lại còn bảo tôi là người nhân từ?

- Tôi không trách cô. Thực đấy! Tôi không trách cô đâu!

Lúc nãy hai người đánh nhau trí mạng, bây giờ hai người lại an ủi nhau.

Nghe tới đó Vô Kỵ liền nghĩ thầm:

- Hai người nầy tâm địa đều hiền lành cả, huống hồ nhà người họ Tô lại còn hai đứa trẻ mồ côi không ai nuôi nấng dạy bảo.

Ðoạn, Vô Kỵ nghĩ tới đời sống cô đơn của mình với Bất Hối, quả thật là gian truân khổ sở vô cùng, nên y liền đi ra khỏi bụi lau lên tiếng hỏi:

- Chiêm cô nương, thuốc độc bôi trên Tán Môn Ðinh kia là thứ thuốc độc gì thế ?

Tập Chi và Chiêm Xuân đột nhiên thấy từ trong bụi lau có một thiếu niên và một thiếu nữ chui ra, ngạc nhiên vô cùng.

Lại nghe Vô Kỵ hỏi, cô càng kinh ngạc thêm.

Vô Kỵ nói tiếp:

- Tại hạ hơi biết chút y học, vết độc thương của hai vị may ra có thể chữa khỏi được, hồ quý cô nương nói rõ thuốc đó thuộc loại gì?

Chiêm Xuân đáp:

- Thuộc loại thuốc độc gì? Tôi cũng không được biết, chỉ thấy vết thưng ngứa lắm mà không đau chút nào. Theo lời nói của sư phụ tôi thì ai bị Tán Môn Ðinh ném trúng, chỉ sống được bốn tiếng đồng hồ là cùng.

Vô Kỵ nói tiếp:

- Ðể tôi xem thử vết thương của hai vị ra sao?

Tập Chi và Chiêm Xuân thấy Vô Kỵ còn ít tuổi, quần áo lại lam lũ, mặt mũi tiều tụy, trông như một tên ăn xin vậy thì làm sao tin được y có thể chữa khỏi cho mình.

Tập Chi lại nói:

- Hai chúng tôi chết đến nơi rồi, cậu đừng ở đây nói lôi thôi nữa. Cậu làm ơn đi xa hộ chúng tôi.

Vô Kỵ không trả lời, cứ việc cúi xuống nhặt mũi Tán Môn Ðinh đưa lên mũi ngửi. Những ngày gần đây, hễ được rỗi rãi là Vô Kỵ giở cuốn Ðộc Vật Ðại Toàn của Nạn Cô ra nghiên cứu, nên rõ hết tất cả những độc vật, độc dược trên đời. Y ngửi mùi thơm thơm đó, biết ngay thuốc độc bôi ám khí lấy ở một thứ hoa độc tên là Thanh Ðà La. Thứ hoa nầy vốn dĩ không có độc tính; dù uống cả một bát nước hoa đó cũng không việc gì, nhưng chất ấy hòa hợp với máu tươi thì biến thành một chất độc rất nặng, và mùi đang tanh hôi biến thành mùi thơm của hoa Lan. Vô Kỵ liền lên tiếng nói:

- Ám khí nầy bôi chất độc của hoa Thanh Ðà La đấy.

Chiêm Xuân không biết ám khí đó bôi bằng thuốc độc gì, nhưng nàng biết trong vườn hoa của sư phụ có trồng Thanh Ðà La nên nàng ngạc nhiên và hỏi:

- Sao cậu lại biết ?

Vì nàng biết hoa Thanh Ðà La này là một thứ hoa độc, xuất xứ ở Tây Vực chớ ở trong Trung Thổ nầy hiếm lắm.

Vô Kỵ gật đầu đáp:

- Tất nhiên tôi có biết thì tôi mới nói.

Nói xong, y dắt tay Bất Hối và bảo:

- Chúng ta đi thôi!

Chiêm Xuân vội gọi lại:

- Chú em nếu chú biết cách chữa thì làm ơn cứu hai chúng tôi với.

Sự thật Vô Kỵ có lòng muốn cứu hai người đó nhưng y sực nghĩ tới bộ mặt hung ác của Dãn Tiệp và Công Viễn đang đòi ăn thịt người, liền sờn lòng quyết không chữa cho hai người nầy nữa.

Tập Chi cũng lên tiếng:

- Cậu em, vừa rồi tại hạ có mắt mà không biết Thái Sơn, xin cậu đừng trách cứ nữa nhé !

Vô Kỵ nghe hai người nói như vậy, nghĩ ngợi giây lát rồi đáp:

- Thôi được, để tôi chữa thử xem.

Nói xong, y liền giơ tay ra điểm vào yếu huyệt giữa ngực và hai bên vai của Chiêm Xuân để cho nàng khỏi đau đã, rồi lên tiếng nói:

- Chất hoa Thanh Ðà La nầy hễ gặp máu mới sinh ra độc, nên dù có uống vào trong bụng cũng không hề gì. Hai vị trước hết hãy lấy mồm hút chất độc ở vết thương ra, hút tới khi nào thấy vết máu trong vết thương đã tươi mới thôi!

Tập Chi và Chiêm Xuân nghe vậy đều ngượng ngập, nhưng họ nghĩ lại cứu sống tánh mạng quan trọng hơn mà vết thương của người nào cũng vậy, tự mình không thể nào hút lấy được, đành phải lần lượt hút máu độc lẫn cho nhau.

Vô Kỵ kiếm quanh đó lấy được hai vị thuốc, bỏ vào mồm nhai nát rồi rịt lên vết thương cho hai người, kế nói:

- Ba vị thuốc nầy có thể khiến cho hơi độc tạm thời không thể lâm nguy. Chúng ta hãy tới thị trấn phía đàng kia, tôi sẽ đến tiệm thuốc hốt vài thứ thuốc để chữa độc thương cho hai vị.

Vết thương của hai người đang ngứa ngáy khó chịu, sau khi rịt thuốc sống của Vô Kỵ vào liền cảm thấy mát mẻ dễ chịu ngay, đồng thời cũng cảm thấy chân tay không còn tê tái nữa.

Cả hai đồng cảm ơn Vô Kỵ luôn mồm đoạn bẻ một cành cây làm gậy để chống, rồi từ từ tiến về phía thành thị.

Trong khi đi đường, Chiêm Xuân hỏi Vô Kỵ là học trò của ai.

Vô Kỵ không muốn nói rõ, chỉ bảo mình biết chữa từ hồi nhỏ thôi.

Ði được một lúc lâu, bốn người tới Sa Hà Ðiếm, liền vào khách điếm nghỉ ngơi.

Vô Kỵ vội viết một toa thuốc bảo phổ kỵ đi hốt.

Cũng may, năm đó tỉnh Hà Nam chưa hề bị thiên tai nên dân cư còn bát cơm và manh áo mặc. Mặc dầu thỉnh thoảng cũng bị quan binh Mông Cổ tới quấy nhiễu, nhưng ở thị trấn Sa Hà Ðiếm nầy các tiệm buôn bán vẫn mở cửa như thường.

Phổ kỵ cầm toa thuốc của Vô Kỵ đi hốt thuốc về, Vô Kỵ liền đem thuốc vào bếp sắc hộ, rồi mang ra cho Chiêm Xuân và Tập Chi uống.

Bốn người ở khách điếm đó luôn ba ngày, ngày nào Vô Kỵ cũng thay đổi toa thuốc hay thay thuốc rịt bên ngoài.

Ðến ngày thứ tư, Tập Chi và Chiêm Xuân đã lành mạnh như thường, cả hai đều cám ơn Vô Kỵ khôn tả.

Họ hỏi Vô Kỵ và Bất Hối định đi đâu thì Vô Kỵ liền cho biết là mình và Bất Hối định lên Tọa Vong Phong trên núi Côn Luân.

Chiêm Xuân liền nói:

- Tô đại ca, tánh mạng của chúng ta còn là nhờ chú em nầy. Nhưng năm vị sư huynh của tôi còn đang đi khắp nơi tìm kiếm đại ca, như vậy việc nầy vẫn chưa kết liễu đâu, chi bằng đại ca đi cùng chúng tôi lên núi Côn Luân một phen có hơn không?

Tập Chi nghe nói kinh ngạc hỏi:

- Lên núi Côn Luân?

Chiêm Xuân đáp:

- Phải, tôi dẫn đại ca lên núi Côn Luân bái kiến sư gia và thưa rõ với sư gia là đại ca chưa học lóm được một thế hay nửa miếng Long Hình Nhất Bút kiếm. Nếu được gia sư lượng thứ cho, đại ca không còn bị quấy nhiễu nữa. Bằng không, hậu quả sẽ không sao tưởng tượng được.

Tập Chi nghe nói, trong lòng tức giận vô cùng, hầm hực nói:

- Phái Côn Luân của cô nương hà hiếp người ta quá lắm, tôi chỉ nhìn có một cái thôi mà suýt tý nữa bị xuống âm phủ.

Chiêm Xuân với giọng nhu mì khuyên chàng:

- Tô đại ca nên nghĩ hộ tiểu muội, việc nầy, kể ra rất khó. Tôi nói cho gia sư hay là đại ca chưa học một thế kiếm nào, chưa chắc gia sư đã tin đâu. Tiểu muội bị khiển trách cũng không sao, nhưng rủi năm vị sư huynh của tiểu muội lỡ tay đã thương đại ca thì tiểu muội thật áy náy vô cùng.

Hai người vào chết ra sống cùng chung hoạn nạn trong mấy ngày liền nên đã nẩy nở tình yêu, yêu dấu lẫn nhau do đó Tập Chi nghe Chiêm Xuân nói như vậy, bao nhiêu sự tức tối đều tiêu tan.

Chàng lại nghĩ:

- Phái Côn Luân người nhiều thế mạnh, nếu chúng cứ theo dõi mà quấy nhiễu ta, không sớm thì chầy tánh mạng ta cũng sẽ bị kết liễu .

Chiêm Xuân thấy Tập Chi ngẩn người ra nghĩ ngợi, liền nói tiếp:

- Ðại ca cứ đi cùng tôi một phen, nếu đại ca có việc gì rất khẩn cấp, thì chờ đi Côn Luân xong tiểu muội sẽ giúp đại ca làm xong việc đó.

Tập Chi cả mừng đỡ lời:

- Ðược, cứ thế vậy. Nhưng không biết tôn sư có chịu tin lời nói đó không?

- Xưa nay sư phụ vẫn cưng em, nếu em cứ khăng khăng van cầu thì chắc gia sư cũng sẽ tha thứ cho anh.

Tập Chi biết là nàng đã có lòng yêu mình, nên chàng cũng cảm thấy cởi mở vô cùng, liền nói với Vô Kỵ :

- Chú em, chúng ta cùng lên núi Côn Luân cả.

Chiêm Xuân cũng xen lời nói:

- Dãy núi Côn Luân dài hàng nghìn dặm và có rất nhiều ngọn không biết Tọa Vong Phong ở nơi nào. Mình cứ tới đó đã rồi hỏi thăm thì thế nào cũng sẽ kiếm ra được.

Ngày hôm sau, Tập Chi thuê một chiếc xe lớn để cho Vô Kỵ và Bất Hối ngồi, còn mình và Chiêm Xuân cưởi ngựa.

Ði tới thị trấn lớn ở phía trước, Chiêm Xuân lựa mua mấy bộ quần áo mới cho Vô Kỵ và Bất Hối mặc.

Hai người tắm rửa và thay quần áo xong, Tập Chi thấy Vô Kỵ rất anh tuấn và Bất Hối cũng xinh đẹp lạ lùng, đều vỗ tay khen ngợi.

Bắt đầu từ lúc này trở đi, hai đứa nhỏ mới khỏi cảnh đi đường khổ sở, ăn được ngon, ngủ kỹ, thân thể cũng khỏe mạnh và béo tốt dần.

Càng đi, tiết trời càng lạnh. Suốt dọc đường nhờ Tập Chi và Chiêm Xuân trông nom cho, vì hai người đều là những nhân vật có tên tuổi trong võ lâm nên đi suốt dọc đường được bình an.

Khi tới Tây Vực, Vô Kỵ mới hay thế lực của phái Côn Luân quả thật hùng hậu nên bốn người đi đến đâu cũng không bị ngăn cản.

Nhưng ở miền Tây Bắc nầy, cát vàng rất nhiều và gió lạnh buốt xương.

Vô Kỵ còn có thể chịu nổi, chớ Bất Hối thì suốt ngày run cầm cập.

Không bao lâu, đã tới eo núi Tam Thánh của dãy núi Côn Luân, rồi khi vào trong eo núi, mọi người chỉ thấy cỏ xanh mọc khắp nơi có rất nhiều hoa thơm cỏ lạ. Tập Chi với Vô Kỵ đều không ngờ trong cõi hoang vu giá lạnh nầy lại có cảnh đẹp nh động tiên.

Thì ra eo núi Tam Thánh nầy bốn bề đều có vách núi ngăn cản gió lạnh nên cảnh trong eo nầy mới được tươi đẹp như thế.

Ðồng thời, từ khi Côn Luân Tam Thánh Hà Túc Ðạo lập môn phái, trong bảy tám mươi năm trời, đã tốn không biết bao hơi sức để chỉnh đốn và còn sai đệ tử đi Giang Nam, Thiên Trúc bứng đem về những hoa thơm cỏ lạ trồng cho thêm đẹp.

Chiêm Xuân đưa ba người tới Thiết Cầm Cư, chỗ ở của Thiết Cầm Hà Thái Xung.

Vừa vào đến cửa đã thấy các sư huynh đệ của nàng có vẻ gay cấn vô cùng.

Những người đó chỉ gật đầu chào nàng chớ không hề nói năng gì cả.

Chiêm Xuân nghĩ thầm:

- Không biết đã xầy ra chuyện gì mà các sư huynh đệ ta có vẻ gay cấn như thế.

Ðoạn nàng kéo một người sư muội lại gần hỏi:

- Sư phụ có ở nhà không ?

Người sư muội đó chưa kịp trả lời, nàng đã nghe tiếng quát tháo của Thái Xung từ trong nhà vọng ra:

- Ðồ vô dụng, vô dụng! Có việc gì bảo các ngươi làm là không ai làm nên trò trống gì cả !

Như vậy, ta còn thâu các ngươi làm đệ tử làm chi?

Tiếp theo đó, nàng lại nghe tiếng đập bàn rất lớn, nàng khẽ nói với Tập Chi:

- Sư phụ em đang nỗi giận, chúng ta không nên vào yết kiến lúc nầy để sáng mai xem sao.

Thái Xung đột nhiên lớn tiếng hỏi:

- Con Chiêm Xuân đâu? Nó về chưa? Tại sao nó không vào gặp ta? Nó lén lút nói với ai bên ngoài thế? Không biết nó có mang thủ cấp của họ Tô về đây không?

Chiêm Xuân nghe sư phụ nói vậy biến sắc, vội vào nội đường quỳ xuống vái lạy và thưa:

- Ðệ tử xin bái kiến sư phụ.

Thái Xung lại hỏi:

- Ta sai con đi làm việc đó, chẳng hay con làm xong chưa? Còn tên tiểu tặc họ Tô đâu?

Chiêm Xuân đáp:

- Người họ Tô đang chờ đợi ngoài kia để vào thỉnh tội với sư phụ. Y nói chỉ là người ngu dốt, chỉ tình cờ thấy sư phụ luyện kiếm, nhưng kiếm pháp của bổn phái tinh diệu vô cùng, chẳng hiểu gì hết và cũng không học được nửa miếng.

Nàng theo sư phụ lâu năm biết tánh sư phụ rất tự phụ vì thế nàng cố ý nói Tập Chi khen ngợi võ công của thầy để Thái Xung trong lòng cởi mở thì sẽ vui vẻ mà tha tội cho Tập Chi.

Nếu là lúc thường mà nàng nói vậy thì Thái Xung trúng kế nàng ngay. Nhưng hôm nay, Thái Xung đang nóng nảy, nên nghe Chiêm Xuân nói vậy, chỉ dùng giọng mũi hừ một tiếng và nói:

- Việc này con đã làm xong, đáng khen lắm. Con hãy giam tên họ Tô vào thạch thất ở phía hậu sơn để mai mốt ta sẽ xử y sau.

Chiêm Xuân thấy sư phụ đang nổi giận, không dám van lơn nữa, vâng lời ngay rồi nàng lại hỏi thăm:

- Thưa sư phụ, năm vị sư mẫu đều mạnh giỏi cả? Ðể con vào trong vái lạy.

Thì ra Thái Xung có vợ và nàng hầu, tất cả năm người. Y cưng nhất người thiếp thứ năm .

Muốn cầu sư phụ tha tội cho Tập- Chi, Chiêm Xuân định vào nhờ sư mẫu nói giúp.

Ngờ đâu nàng vừa nói xong, Thái Xung tỏ vẻ rầu rĩ, thở dài một tiếng và đáp:

- Con vào thăm cô Năm đi, cô ấy đang đau nặng. Cũng may con về kịp mới được gặp mặt cô ta.

Chiêm Xuân ngạc nhiên hỏi lại:

- Cô Năm đau ra sao, chẳng hay bệnh gì thế, thưa sư phụ.

Thái Xung thở dài đáp:

- Nếu biết là bệnh gì thì may mắn lắm rồi. Ta mời bảy thầy lang tên tuổi đến khám bệnh mà thầy nào cũng không biết cô ta bệnh gì. Một người đẹp như hoa như ngọc mà sưng... Hà!

Thôi, không nói nữa...

Y vừa nói vừa lắc đầu lia lịa rồi tiếp:

- Ta thâu bấy nhiêu đồ đệ mà không một tên nào là hữu dụng. Bảo chúng đi Trường Bạch Sơn kiếm nhân sâm, mà gần hai tháng rồi chưa đứa nào trở về. Bảo chúng đi kiếm Tuyết Liên, Thủ Ô về chữa cho cô Năm mà những tên đó đều về tay không cả.

Chiêm Xuân nghĩ thầm:

- Từ đây đi tới núi Trường Bạch xa hàng vạn dặm, đi trong bao nhiêu lâu làm sao mà về kịp được.

Dù có tới núi Trường Bạch cũng chưa chắc tìm đưc những củ nhân sâm thật già. Còn Tuyết Liên và Thủ Ô là những thứ thuốc rất quý báu có thể cải tử hồi sinh, kiếm cả đời chưa chắc đã thấy, nhứt thời đi tìm kiếm thì làm sao mà ra.

Sư phụ yêu tiểu thiếp đó còn hơn cả tính mạng mình, nay bà ta mắc bệnh nặng và bất trị thì tất nhiên ông ta phải nổi giận mà mắng lây những người khác.

Thái Xung lại nói tiếp:

- Ta đã dùng nội lực để thăm kinh mạch của cô Năm thì thấy không có triệu chứng gì khác lạ. Hừ, nếu cô Năm mà không khỏi thì ta sẽ giết hết cả những thầy lang trên thiên hạ nầy.

Chiêm Xuân chờ Thái Xung nói xong, liền nói theo:

- Con xin phép sư phụ vào thăm cô Năm.

- Ðược, để sư phụ dẫn con vào.

Chiêm Xuân vừa bước vào phòng đã ngửi thấy sặc mùi thuốc. Nàng bèn vén màn lên, thấy mặt cô Năm sưng vù tựa như Trư Bát Giái vậy, hai mắt sâu hõm, xung quanh mắt sưng đến mí, mắt không sao mở lên được, hơi thở rất nặng. Cô Năm là một giai nhân tuyệt đẹp, bằng không Thái Xung đâu đến nỗi say mê nàng như vậy, nhưng lúc này nàng đau ốm, mặt mũi trở nên xấu xí, cả Chiêm Xuân cũng phải thương tiếc thầm.

Thái Xung lại bảo Chiêm Xuân:

- Con ra bảo những thầy lang băm ấy vào coi mạch lại xem sao.

Nhưng, vú già hầu hạ trong phòng đã lẹ làng đi ra.

Một lát sau, Chiêm Xuân nghe tiếng xích kêu "loon coon", tiếp theo đó là bảy thầy lang mặc áo dài đi vào, chân đều bị xiềng xích sắt quấn chặt vào nhau.

Người nào người nấy mặt mũi tiều tụy, thần sắc đau khổ.

Thì ra bảy người nầy đều là những thầy lang có tên tuổi ở các tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Cam Túc... Thái Xung sai đệ tử đi các nơi nửa thỉnh nửa bắt cóc đem lên núi Côn Luân.

Bảy vị danh y đó mỗi người phát biểu một ý kiến, có người bảo cô Năm bị phù, có người bảo cô Năm bị trúng tà.

Nhưng các toa thuốc của họ đã viết đem đi hốt thuốc cho cô Năm uống đều không làm cho bệnh cô Năm thuyên giảm tí nào trái lại, người của cô Năm càng ngày càng sưng vù thêm, nên Thái Xung nổi giận xiềng chặt bọn họ lại và bảo:

- Nếu họ không chữa khỏi bệnh cho cô Năm, thì ta sẽ chôn sống họ theo trong mộ của cô Năm.

Bảy thầy lang đó đã nghĩ hết phương pháp mà không sao chữa cho cô Năm thuyên giảm.

Họ cũng biết không thể nào sống sót mà trở về quê quán nếu cô Năm có bề gì, nên mỗi lần họ vào thăm bệnh xong trở ra ngoài là bàn tán về toa thuốc nầy, về toa thuốc kia và lớn tiếng tranh luận, ông nầy công kích ông kia, vu cho nhau đã làm cho căn bệnh của cô Năm nặng thêm chớ không ai chịu lỗi về mình cả.

Lần nầy cũng vậy, vừa xem mạch xong là họ ra ngoài lại cãi vã nhau.

Thái Xung vừa lo, vừa giận, vừa lớn tiếng mắng chửi họ.

Nhờ vậy, bảy lang y đó mới không cãi vã nhau nữa.

Chiêm Xuân thấy vậy liền nghĩ tới Vô Kỵ , nàng bèn thưa với Thái Xung:

- Thưa sư phụ con ở Hà Nam có đưa về đây một vị lang y, tuổi tuy còn nhỏ nhưng mát tay, thế nào cũng giỏi hơn những lang y kia nhiều.

Thái Xung cả mừng nói:

- Sao con không nói sớm cho thầy hay! Mau mời ông ta vào đây đi!

Thì ra, mỗi khi một danh y mời tới là Thái Xung đối xử rất cung kính, nhưng khi danh y đó trở nên lang băm thì y trở mặt.

Chiêm Xuân ra ngoài khách sảnh đưa Vô Kỵ vào.

Vừa thấy mặt, Vô Kỵ nhận ngay ra Thái Xung là người trong bọn năm xưa đã lên núi Võ Ðang và bức tử cha mẹ mình nên y tức giận thầm.

Nhưng Thái Xung không nhận ra y vì đã cách bốn năm năm rồi, vả lại tướng mạo và thân hình của Vô Kỵ đã thay đổi rất nhiều.

Vô Kỵ là một thiếu niên mười bốn mười lăm tuổi, gặp Thái Xung mà không thèm chấp tay thi lễ còn liếc mắt nhìn về phía khác.

Nhưng lúc nầy vì phải nhờ đến Vô Kỵ nên y cũng không chấp nhất, bèn hỏi Chiêm Xuân:

- Con nói đưa thầy lang vào, vậy thầy lang ấy đâu ?

Chiêm Xuân đáp:

- Chú em nầy là thầy lang đấy! Tuy nhỏ tuổi nhưng y học của chú ấy rất cao, có lẽ giỏi hơn cả các vị danh y kia nhiều.

Có vẻ không tin, Thái Xung chỉ dùng giọng mũi hừ một tiếng.

Chiêm Xuân lại nói:

- Ðệ tử bị trúng phải chất độc của hoa Thanh Ðà La may nhờ chú em này chữa khỏi.

Thái Xung nghe nói cũng giật mình và nghĩ thầm:

- Trúng phải chất độc của Thanh Ðà La mà không có thuốc giải độc của ta thì người trúng độc thể nào cũng chết. Thằng nhỏ nầy chữa khỏi được chất độc đó kể cũng lạ thật .

Ðoạn y ngắm Vô Kỵ một hồi rồi hỏi:

- Thiếu niên kia, cậu biết chữa bịnh thật à?

Nghĩ đến cảnh cha mẹ mình đã chết một cách thê thảm nay lại thấy bộ mặt của Thái Xung hung ác, Vô Kỵ càng ghét y. Nhưng vốn là người lương thiện, xa nay thù ai cũng vậy, chỉ một thời gian ngắn thôi, bằng không, khi nào cậu chịu chữa bệnh cho Hiểu Phù và bọn Dãn Tiệp. Cậu biết rõ phái Côn Luân cũng có liên can tới cái chết của cha mẹ nhưng cậu không thể bắt chước Hồ Thanh Ngưu, thấy chết không cứu, nên rốt cuộc cậu đã cứu chữa cho Tập Chi và Chiêm Xuân. Cũng như lúc nầy chẳng hạn, cậu nghe Thái Xung nói mình như một đứa con nít, trong lòng tuy không vui, nhưng cậu vẫn gật đầu nhận chữa.

Vô Kỵ vừa bước chân vào trong phòng đã ngửi thấy mùi kỳ lạ xông lên mũi nhưng một lát sau cậu đã thấy mùi kỳ lạ ấy phai lạt dần, rồi giây phút sau lại nồng lên như trước.

Y ngạc nhiên vô cùng, bèn tiến tới giường cô Năm, ngắm nhìn mặt cô ta một hồi, kế nắm tay thăm mạch rồi đột nhiên lấy một cây kim vàng ra chăm luôn vào bộ mặt sưng vù của nàng.

Thái Xung kinh hãi, vội quát hỏi:

- Cậu làm gì thế?

Y vừa quát vừa giơ tay định kéo Vô Kỵ lại, nhưng Vô Kỵ đã rút mũi kim kia ra.

Có một điều lạ là mặt Cô Năm không có nước vàng hay máu mủ gì rỉ ra cả.

Thái Xung để một tay ở phía sau lưng Vô Kỵ , định điểm vào yếu huyệt của cậu, nếu y thấy nàng thiếp của y lâm nguy.

Sau y thấy cô Năm vẫn nằm yên, nên thâu tay lại.

Vô Kỵ đưa mũi kim lên mũi ngửi, gật đầu mấy cái.

Lúc nầy, Thái Xung mới thấy có chút ít hy vọng, và lên tiếng hỏi:

- Cậu... cậu... em... xem bệnh của tiện nội có hy vọng chữa khỏi không?

Y là tôn trưởng của một môn phái, mà chịu Vô Kỵ là cậu em như thế, kể ra cũng nể Vô Kỵ vô cùng.

Vô Kỵ không trả lời, bỗng cúi mình chui luôn vào gầm giường cô Năm xem xét một hồi rồi lại mở cửa sổ ngó ra ngoài vườn hoa.

Thấy cử chỉ của Vô Kỵ , Thái Xung cũng ngạc nhiên vô cùng.

Vô Kỵ lại nhảy qua cửa sổ, thưởng thức các thứ hoa thơm cỏ lạ ngoài vườn.

Cô Năm ưa trồng hoa, nên trong vườn đó đều trồng những thứ hoa rất quý.

Một lát sau, Vô Kỵ gật đầu mấy cái, hình như đã nghĩ ra được phơng pháp cứu chữa, rồi quay trở vào trong phòng, và trả lời Thái Xung:

- Bệnh này có thể chữa khỏi, nhưng tôi không muốn chữa. Chiêm cô nương, chúng ta đi ra thôi.

Chiêm Xuân vội khuyên:

- Chú em họ Trương, nếu chú chữa khỏi bệnh cho cô Năm thì phái Côn Luân này, từ già chí trẻ, đều chịu ơn đức của chú vô cùng.

Vô Kỵ chỉ vào mặt Thái Xung, đáp:

- Thiết Cầm tiên sinh đây cũng là người đã bức tử cha mẹ tôi, như vậy, tôi chữa bịnh cho người của ông làm gì !

Thái Xung nghe Vô Kỵ nói vậy, giật mình kinh ngạc và vội hỏi:

- Chú em quý tính danh là gì? Lệnh tôn và lệnh đường là ai?

Vô Kỵ đáp:

- Tôi họ Trương, phụ thân tôi đệ tử thứ năm của phái Võ Ðang.

Thái Xung rùng mình nghĩ thầm:

- Thế ra thiếu niên này là con trai của Trương Thúy Sơn !

Ðoạn, y bèn vái chào Vô Kỵ và nói tiếp:

- Hồi lệnh tôn còn sống cùng tại hạ kết giao rất thân. Từ khi lệnh tôn tự sát qua đời tới giờ, tại hạ vẫn thương tiếc luôn...

Muốn nhờ vả Vô Kỵ cứu chữa cho người hầu thiếp cưng của mình, Thái Xung mới nói láo như vậy.

Chiêm Xuân cũng nói giúp sư phụ:

- Sau khi lệnh tôn và lệnh đường quá cố, gia sư đã khóc mấy ngày và thường nói với chúng tôi rằng: "Trương ngũ hiệp là bạn tri kỷ nhất trong đời của gia sư đấy."

Vô Kỵ bán tín bán nghi, nhưng xưa nay tính cậu không hay nhớ dai những mối thù hận, nên ngẫm nghĩ giây lát, liền đáp:

- Phu nhân không phải mắc bệnh quái dị gì đâu. Bà bị rắn độc Kim Ngân Huyết xà cắn đấy.

Thái Xung với Chiêm Xuân đồng thanh hỏi:

- Kim Ngân Huyết xà?

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play