Editor: Phác Hồng

Mặt trời lên cao, Quý Cửu mơ hồ tỉnh dậy, lúc mở mắt thì đầu đau ê ẩm, y nhắm mắt nằm bất động trên giường, đầu óc trống rỗng. Dường như thiên địa vẫn hỗn độn, còn trời đất là một quả trứng lớn, và y là đứa trẻ ngủ say trong đó, u mê vô tri. Không có ký ức, không có quá khứ, không có đã từng và không có tương lai. Bởi vì mờ mịt không biết thế sự nên lòng mới an yên vui tươi.

Nhưng y vốn dĩ không phải đứa trẻ, những chuyện xảy ra đêm qua chập chờn hiện lên, Quý Cửu đăm đăm nhìn, hoàn toàn thanh tỉnh.

Quý Cửu kéo chăn ngồi dậy, dựa vào đầu giường vén màn.

Vốn tưởng rằng mọi thứ sẽ hỗn loạn xuất hiện trước mắt nhưng không hề vậy, bàn gỗ ngay ngắn, công văn xếp chỉnh tề, nghiên mực giấy bút được đặt thẳng hàng, ngay cả mấy chén trà cũng xếp gọn trên bàn, không phải là những mảnh vụn trong trí nhớ đêm qua.

Quý Cửu cơ hồ nghĩ rằng mọi thứ chỉ là ảo giác, hết thảy tựa như một giấc mộng hoàng lương. (1)

Ngay sau đó, y nhìn thấy vò rượu kia.

Dường như mới được đào còn lấm đầy bùn đất, chưa được mở ra hệt củ quả vừa đem từ đất lên còn hằn in mùi vị bẩm sinh, đặt ngay ngắn trên bàn.

Đây là xuân tửu y muốn. Quý Cửu nhớ ra rồi.

Đầu tự nhiên nghĩ đến cảnh người nọ thừa dịp ngày chưa sáng mà lẻn vào sân nhà người ta đào rượu, không biết nên buồn cười hay nên chua xót đây.

Nhưng nét mặt hờ hững lạnh nhạt tựa như hết thảy đều không can hệ.

Y ngồi một hồi thì đứng lên thu dọn chăn gối, ôm đệm giường ra ngoài sân phơi nắng, rồi gom hết vải gối vào thùng gỗ mang ra bờ sông giặt sạch.

Lúc làm những việc này gương mặt Quý Cửu vẫn luôn lạnh nhạt, chỉ khi cúi đầu chà dấu vết khả nghi thì vành tai mới đo đỏ, xấu hổ cũng xấu hổ thật bình tĩnh.

Từ sau đó Quý Cửu không gặp lại Y Mặc.

Hoàng dụ mãi chưa đến, Quý Cửu ung dung hết uống rượu vẽ tranh thì gõ trúc ngâm sách. Trên trời cao mấy lần trăng tỏ, thấm thoát đã một năm trôi qua.

Mỗi ngày ách bá đều quét tước tiểu viện, chăm sóc ba bữa cơm và mọi việc vụn vặt giúp y. Biến hóa duy nhất là đầu xuân năm nay, Quý Cửu thường xuyên nhân được thư từ, gần như cách mấy ngày đều có người cưỡi chiến mã đến gõ cửa viện.

Tuy ách bá là nông dân nhưng cũng biết thân phận người trong viện không tầm thường, nếu có chuyện thì chắc hẳn là chuyện quân sự.

Hôm đó ách bá dẫn tới một đứa nhỏ khoảng chừng mười bốn mười lăm tuổi, bên tai búi hai bím tóc, mặt mày ngây ngô đến trước mặt Quý Cửu.

Ách bá không thể nói chuyện nên để nhóc tự nói, đứa bé luôn xấu hổ, chưa nói câu nào nhưng trên mặt đã nghẹn đỏ. Quý Cửu nhìn vậy thì trong bụng đã hiểu phân nửa, y liền hỏi: “Tới tìm ta là muốn tòng quân?”

Ách bá vừa gật đầu vừa ú ớ đáp, lão chỉ vào nhóc kia rồi chỉ vào Quý Cửu, ý bảo muốn cho nó đi theo Quý Cửu.

Quý Cửu hỏi nó còn huynh đệ không, đứa nhỏ lắc đầu, lại hỏi có còn phụ mẫu, nó lại vội gật đầu.

Quý Cửu liền nói: “Nếu ngươi theo ta tòng quân, ngày sau chết trận sa trường, ai sẽ phụng dưỡng mẹ yếu ở nhà? Ai sẽ chăm sóc cha già? Hương khói trong nhà ai sẽ kế thừa? Độc tử lưu gia (2) là quy củ. Đừng nói nữa.”

Cứ vậy cự tuyệt.

Thằng nhóc đỏ mặt, không nói câu nào liền chạy đi.

Ách bá huơ tay giải thích, Quý Cửu nhìn hồi lâu mới hiểu được, thì ra nhóc kia có một huynh trưởng, tòng quân năm năm thì tử trận. Cảm tình hai huynh đệ vốn rất tốt, huynh trưởng đã chết, đệ đệ tuy nhỏ nhưng lập chí báo thù vì ca ca, vẫn không có cách nào, nghe nói trong viện có một vị tướng quân nên mới tìm ách bá nhờ giúp đỡ.

Quý Cửu không nói gì, chắp tay đứng hồi lâu mới bảo: “Huynh trưởng nó chết là vì bình an cho bách tính trong thành, không phải chỉ vì một người. Nó vì thù riêng mà tòng quân, bỏ mặc cha già mẹ yếu quê nhà, không phải trung cũng chẳng phải hiếu, tôi lại càng không muốn.”

Ách bá mở miệng, gật đầu rời đi.

Mấy chuyện vụn vặt thỉnh thoảng xảy ra, cuộc sống cứ điềm đạm trôi theo từng ngày. Thằng nhóc ấy vẫn dính lấy Quý Cửu, hai ba ngày sẽ chạy tới quỳ ngoài cửa viện một bận, chờ cho Quý Cửu mềm lòng.

Nhưng nó không biết đối với Quý Cửu, mềm lòng với nó chính là ác độc với cha mẹ nó. Thế nên Quý Cửu mặc kệ nó quỳ, y rất ít khi xuất viện. Quý Cửu gặp phải chuyện này cũng không sợ bản thân làm người xấu, mà lại càng yên tâm thoải mái làm.

Lại một ngày hè, yến tà tà chao lượn, thi thoảng sẽ đậu dưới mái hiên mớm thức ăn cho chim non rồi vội vã bay đi.

Quý Cửu nghiêng qua cửa sổ nhìn tổ yến nho nhỏ dưới hiên, chim non lớn lên liệu sẽ phản bội không. Nhìn một hồi lâu mới thu người làm chuyện lúc trước.

Ách bá đang vẩy nước quét sân, đôi khi sẽ ngoái đầu nhìn về cửa sổ rộng mở. Lão nhìn thấy trên bàn trải một phiến giấy, mặt trên điểm vô số chấm đỏ, ách bá tuổi già, ánh mắt không tốt, lại thêm khoảng cách xa nên mãi không thấy rõ Quý Cửu đang vẽ thứ gì. Lúc lão vào đưa cơm, trên phiến giấy phủ một lớp lụa trắng, rõ ràng là không muốn người khác nhìn thấy. Chẳng ai có thể kiềm chế tính tò mò, tuy ách bá lớn tuổi nhưng lòng hiếu kỳ vẫn lớn như lúc trẻ.

Lão luôn lén nhìn, Quý Cửu quá chuyên tâm không để ý đến lão, vẫn đang cúi đầu vẽ tranh.

Ách bá phát hiện những lúc vẽ tranh, nét mặt Quý Cửu luôn đờ đẫn, mà thậm chí… có chút bi thương.

Ôi dào, rốt cuộc vẽ cái gì vậy? Ách bá oán trách cái tuổi già, ánh mắt ngày càng chẳng ra sao.

Lúc này cửa viện bị gõ vang, ách bá vội vàng vội đi mở cửa, nghĩ chắc lại là người đến truyền tin nên vẫn cầm chổi quét trên tay. Không ngờ vừa mở cửa ra, bên ngoài có hai người vọt vào, trong tay cầm kiếm, dù chưa rút khỏi vỏ nhưng cũng dọa lão nhảy dựng, chổi quét rơi trên đất.

Tiếp theo lại có bốn người lần lượt theo vào, bọn họ vận toàn đồ đen, khuôn mặt lão luyện lãnh khốc đuổi ách bá sang một bên, xếp thành hai đội chờ người phía sau.

Tuy ách bá không hiểu chuyện nhưng biết người đến lần này là một đại nhân vật, lão vội vàng ngồi khom xuống, cẩn thận nhặt chổi lui về sau cửa.

Quý Cửu chẳng vội chẳng hoảng cuộn tròn bức hoạ, chờ y mang đi cất kỹ thì người ngoài viện vừa vặn tiến vào.

Hoàng đế ăn mặc kiểu nho sinh, vào trong viện nhìn lướt chung quanh rồi không vui gọi một tiếng với cánh cửa đang khép chặt. “Quý Cửu!”

Cửa phòng bấy giờ mới mở ra, Quý Cửu quỳ gối bên trong, không mặn không nhạt lên tiếng: “Hoàng thượng.”

Ách bá đáng thương trốn sau cửa viện nghe được hai chữ “Hoàng thượng” thì suýt nữa bẻ gãy cây chổi.

Hoàng đế bước vào, Quý Cửu đứng dậy đóng cửa phòng, khi hai cánh cửa chỉ còn lại một đường chỉ nhỏ thì y xuyên qua khe hở trông thấy Trầm Giác, hắn đứng tại cổng viện đăm đăm nhìn y.

Cổ họng lập tức bị đè nghẹn, Quý Cử rũ mắt khép chặt kẽ hở.

Phụ tử gặp lại sau hơn một năm, ánh mắt cả hai đều bối rối hốt hoảng.

Có vài người, nếu ngươi càng đặt hắn tại một nơi gần ngực lại càng không biết nên đối với hắn thế nào cho phải.

Hoàng đế ngồi ở chỗ Quý Cửu hay ngồi lật một phần công văn trên bàn rồi tùy tay đặt sang một bên, ánh mắt nhìn chăm chú Quý Cửu, thật lâu sau mới hỏi: “Hai năm nay ngươi vẫn ổn?”

Quý Cửu đáp: “Ổn.”

“Hai năm không về nhà là không muốn?”

“Muốn.” Quý Cửu đáp.

“Hôm nay Trẫm tới thăm ngươi một lát.” Hoàng đế nói.

“Vâng.”

Hoàng đế đã hơi giận, nét mặt sa sầm. “Ngươi định một chữ một chữ đáp chuyện với trẫm sao?”

Quý Cửu nói: “Không dám.”

Hoàng đế “xuy” một tiếng. “Hai chữ.”

Quý Cửu mặc kệ hắn, quay sang nhìn bên ngoài cửa sổ, hương hoa lẫn trong gió bay đến, Hoàng đế chợt nói: “Đã nhiều năm Trẫm không ăn lại cơm hoa hòe.”

Hắn vốn tưởng Quý Cửu sẽ nói gì đó, kết quả là Quý Cửu nhướng mày, rất nghiêm túc hỏi: “Đó là cái gì?”

Hoàng đế nghẹn họng.

Sau một lúc lâu, Hoàng đế vừa bực mình vừa buồn cười nói: “Thôi, ngươi có biết vì sao hôm nay trẫm đến không. Ngươi cũng biết ít nhiều chuyện quân tình, đại quân Hung Nô đã xuất động, tính theo lộ trình thì khoảng hai tháng nữa sẽ đến dưới chân thành.”

Quý Cửu nói: “Để cho thần đi?”

“Nếu không Trẫm tự mình đi?” Hoàng đế hỏi lại.

“Thần nghĩ Hoàng thượng muốn để thần an dưỡng tuổi thọ.” Quý Cửu đáp.

Hoàng đế lại im lặng, một lát chậm rãi nói: “Chưa hẳn… Trẫm không nghĩ vậy.”

Quý Cửu không đoán được hắn sẽ đáp vậy nên hơi ngây người.

“Mấy năm nay…” Hoàng đế nhìn y, nghiêm túc nói: “Bên người Trẫm cũng chỉ có mỗi ngươi.” Thế nên, hắn không muốn người cuối cùng thấu hiểu hắn trên đời này cứ vậy biến mất.

Vẫn luôn đoái hoài, che chở… Từ sâu trong gốc rễ, đây vốn là chút tư tâm cỏn con của bậc đế vương.

Nhưng lúc nguy cấp, hắn phải đành vứt bỏ tư lợi sang một bên, trơ mắt nhìn người đã từng cùng hắn dìu đỡ lẫn nhau bước lên chặng đường sinh tử  sắp tới.

Hôm nay cởi long bào cải trang ghé chơi, hắn là Hoàng đế mà chẳng phải Hoàng đế; dường như bọn họ vẫn là hoàng tử và thư đồng tri âm tín nhiệm lẫn nhau của nhiều năm về trước.

Thế nhưng, sau cùng hắn vẫn là Hoàng đế, là bậc đế vương thiên hạ.

Hoàng đế cầm hổ phù đặt lên bàn, trở về giọng điệu kiêu căng thong dong của một đấng quân vương cao vời. “Ngày mai hãy quay về quân doanh, từ hôm nay trở đi ngươi chính là đại tướng quân của Trẫm.”

Quý Cửu im lặng, thật lâu sau mới nói: “Thần, nguyện không nhục sứ mạng.”

“Lần này Hung Nô điều động đại quân, nếu ngươi có thể đánh lui bọn họ, chuyện kế tiếp…” Hoàng đế khẽ nhướn mày. “Đại quân tại ngoại, không thụ hoàng lệnh.” Sau đó bổ sung một câu: “Không cần lo lắng chuyện lương thảo.”

Quý Cửu cúi đầu, khóe miệng nhếch lên một đường cong nhàn nhạt: “Vâng.”

Trước khi ra cửa, Hoàng đế đột nhiên quay người, quẳng lại một câu: “Nghĩa tử thị vệ kia của ngươi chểnh mảng nhiệm vụ, Trẫm dẫn đến cho ngươi, nên đánh nên phạt tùy ngươi xử trí.”

Thế rồi đi.

Để lại một thị vệ Trầm Giác “chểnh mảng nhiệm vụ”, một Quý Cửu bị thị vệ vứt bỏ rất lâu, và một ách bá mãi ngơ ngẩn đằng sau cánh cửa.

Trầm Giác tiến tới, lúc hành lễ thì thử dò gọi. “Cha…”

Âm vừa phát ra một nửa đã bị Quý Cửu cắt đứt. “Gọi tướng quân.”

Trầm Giác cúi đầu, nói: “Tướng quân.”

“Chuẩn bị chút lương khô, ngày mai khởi hành.” Quý Cửu không đánh cũng chẳng phạt, y  trở về phòng tựa như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Đêm khuya, Quý Cửu bày bức hoạ. Hoa đào rải khắp trang giấy, tiên diễm kiều mị nở rộ nhưng chẳng phải bức họa Y Mặc vẽ.

Giữa biển hoa thắm đỏ mơ hồ có hai người, thân thể người phía dưới phủ đầy hoa đào, người ấy ngửa đầu khẽ híp mắt, vừa nhìn dáng vẻ liền đoán được nam tử nhưng lại mơ màng nét quyến rũ, đôi chân thon dài nâng lên vòng quanh thắt lưng của nam tử còn lại. Người phía trên cúi đầu, tóc dài tán loạn che phủ gương mặt, chỉ còn lại đường cong thắt lưng đang chen giữa hai chân người phía dưới.

Là đang giao hoan.

Tình sự giữa biển hoa rực rỡ cánh đào không chút dâm mỹ mà chỉ có dịu dàng thắm thiết.

Quý Cửu nhấc bút điểm thêm mắt mũi miệng trên gương mặt người kia.

Hình ảnh giống như đúc gương mặt y.

Nhưng rồi rõ ràng không phải y.

Cánh hoa tung bay khắp nơi, rơi đầy đất và phủ đầy trời, sắc đỏ vô ngần đốt thiêu tầm mắt kẻ đang xem, thế nhưng lúc rơi trên thân hai người lại an tĩnh thoảng hương.

Bức tranh tên gọi: “Quê nhà.”

Quý Cửu ngắm bức họa thật lâu. Cuối cùng y bày ra một trang giấy, trầm ngâm chốc lát rồi hạ bút, chỉ là một bức họa đơn giản vẽ một tòa mộ phần, trước mộ có tấm bia, trên phần mộ xanh um cỏ hoang.

Đó là mộ phần tướng quân.

Cũng gọi: “Quê nhà.”

Quý Cửu cẩn thận cuộn lại bức họa rồi nâng chậu than đến, đốt sạch tâm huyết của hơn một năm nay.

Hôm sau, hết thảy đã thu thập xong, Trầm Giác dắt ngựa đợi ngoài cửa viện.

Trong phòng, Quý Cửu đứng bên giường, không biết nhớ tới gì mà cô đơn nơi đáy mắt hiện rõ ràng.

Cuối cùng y khom người, gò má dán lên chiếc gối mềm bên cạnh, nhè nhẹ ngửi nơi còn vương lại mùi hương của người nọ.

Cũng vậy, dịu dàng thắm thiết không khác gì gương mặt trên bức họa bị thiêu hủy đêm qua.

Y Mặc vẫn ở đây. Hắn ẩn thân, đứng xa xa một bên. Lấy tính tình hắn hẳn phải nên bước ra trêu cợt.

Nhưng hắn không di chuyển mà chỉ lẳng lặng nhìn, nhìn người nọ khép dần hai mắt ngửi chiếc gối hắn từng ngủ qua.

Thâm tình đến nỗi hắn chẳng nói nên lời.

Chốc lát sau, Quý Cửu ngồi dậy, nét mặt lãnh đạm nhấc kiếm đi ra ngoài.

Một lần khóa, khóa lại tất cả những chuyện xảy ra hay chưa kịp xảy ra nơi này.
[1] Giấc mộng hoàng lương hay còn gọi giấc mộng kê vàng, được nhắc đến trong cuốn tiểu thuyết “Thẩm trung ký” thời Đường, cảm thán đời người chỉ như một giấc mộng, vinh hiển suy tàn chỉ trong khoảnh khắc.

[2] Theo lệ xưa, con trai duy nhất trong nhà được miễn tòng quân.

Trải nghiệm đọc truyện tuyệt vời trên ứng dụng TYT

Download on the App Store Tải nội dung trên Google Play